Việc áp dụng robot vào sản xuất không chỉ thúc đẩy năng suất lao động, tạo ra việc làm với tay nghề cao mà còn làm giảm giá thành sản phẩm. Các robot đã “xâm nhập” vào một loạt các ngành công nghiệp và thay thế công nhân trong nhiều nhà máy.
Từ những sản phẩm phức tạp, đòi hỏi sự chính xác trong dây chuyển sản xuất như xe ô tô, điện thoại di động, TV, máy giặt… đến những sản phẩm đơn giản như đồ nhựa, đều có bàn tay của robot. Robot cũng thay thế con người đảm nhận những công việc nặng nhọc trong thương mại, kho bãi, hậu cần và dịch vụ.
Robot tiến triển không ngừng, đặc biệt trong các thiết bị điện tử (Nguồn: BBC). |
Sự phát triển vượt bậc
Theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), hiện đang có 1,63 triệu robot đang được sử dụng trên thế giới. Với tăng trưởng lên tới 15% kể từ năm 2010, dự kiến tới năm 2019, số robot sẽ tăng thêm 2,6 triệu con. Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch ước tính, trị giá của thị trường robot vào thời điểm đó sẽ là 150 tỷ USD.
Hầu hết số lượng robot trên thế giới được phân bố ở các quốc gia công nghiệp hóa cao ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản. Theo số liệu mới nhất của Liên đoàn Robot Quốc tế năm 2015, Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng 10 nước có mật độ sử dụng robot cao với 531 đơn vị robot/10.000 công nhân. Tiếp theo danh sách là Singapore (398), Nhật Bản (305), Đức (301), Thụy Điển (212), Đan Mạch (188), Mỹ (176), Bỉ (169) và Italy (160).
Robot có những bước tiến triển nhanh, vượt bậc. (Nguồn: BBC) |
Robot sẽ thay thế con người?
Nỗi lo robot sẽ lấy mất việc làm của con người chỉ hiện hữu khi vào năm 2016, công ty Trung Quốc Foxconn, chuyên sản xuất các thiết bị cho Apple và Samsung, thông báo rằng robot sẽ thay thế 60.000 công nhân.
Tại Mỹ, số liệu của Chính phủ cho biết số lượng việc làm tại các nhà máy đã giảm 16% trong thập kỷ qua. Một nghiên cứu của Đại học Oxford cũng khẳng định, khoảng một nửa trong số các ngành nghề có nguy cơ biến mất do kết quả của tự động hóa và hơn 80% các công việc được trả dưới 20 USD/giờ ở Mỹ có thể được thay thế bằng robot với trí thông minh nhân tạo.
Một dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Foxconn (Nguồn: BBC). |
Sau nhiều năm nghiên cứu, giáo sư Erik Brynjolfsson thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) kết luận rằng ở các nước công nghệ tiên tiến như Mỹ, sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo đã lấy đi nhiều việc làm hơn nó đã tạo ra. Công nghệ tiên tiến phát triển quá nhanh, khiến các công ty hay nhà máy không thể thích ứng kịp thời, do đó nhiều công nhân không thể cập nhật hết các kỹ năng làm việc có hiệu quả.
Như vậy, mối lo về việc robot cướp mất việc làm của công nhân là có thật. Thậm chí nhà sáng lập Microsoft - tỷ phú Bill Gate đã đề xuất áp thuế sử dụng robot để bù đắp những việc làm bị mất do trí thông minh nhân tạo gây ra.
Nhà sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates. (Nguồn: BBC) |
Động lực phát triển
Tương lai phát triển của robot là tương đối rộng mở, với những nền kinh tế tràn ngập robot, nhưng rủi ro do nó mang lại cho công nhân cũng là quá nhiều.
Một số người cho rằng trong khi robot lấy đi việc làm trong ngành công nghiệp, sự mất mát này có xu hướng được bù đắp bằng việc tạo ra công ăn việc làm trong các lĩnh vực liên quan đến tự động hóa. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tới năm 2020, trong 15 nền kinh tế phát triển nhất thế giới, những phát minh như robot và trí tuệ nhân tạo sẽ khiến khoảng 5 triệu việc làm biến mất.
Tuy nhiên, những tính toán lạc quan của Công ty Tư vấn Công nghệ Metra Martech thì khẳng định rằng tới nay robot đã tạo ra ít nhất 8 triệu việc làm và 1 triệu sẽ được bù đắp thêm trong những năm tới. Những việc làm này liên quan trực tiếp đến sự phát triển và hoạt động của robot, đồng thời cũng là công việc gián tiếp trong các lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ. Vì vậy, việc làm thâm hụt sẽ được bù đắp và thậm chí sẽ có thặng dư.
Theo các chuyên gia của Liên đoàn Robot Quốc tế, hiệu ứng của "dòng thác" robot tiến triển trong các nền kinh tế công nghiệp hóa cao trên thế giới được thể hiện qua một công thức đơn giản.
Việc sử dụng robot không chỉ tạo ra thêm việc làm có tay nghề cao, mà còn làm giảm giá thành sản phẩm, hấp dẫn người tiêu dùng, qua đó tạo thêm doanh thu. Doanh số bán hàng tăng sẽ đồng nghĩa với việc số việc làm sẽ gia tăng.