Quảng trường Dvortsovaya tại trung tâm St. Peterburg – nơi người dân Nga tưởng niệm 224 nạn nhân chuyến bay A-321. (Nguồn: AFP) |
Phó Tổng Giám đốc Kogalymavia Alexander Smirnov cho biết, không thể đổ cho "lỗi kỹ thuật" khi chiếc máy bay Airbus 321 bị vỡ ra trước khi rơi xuống đất. Hãng hàng không này tự tin vào “tình trạng kỹ thuật tuyệt vời” của chiếc Airbus và cho rằng, "lời giải thích duy nhất cho nguyên nhân vụ tai nạn là do tác động từ bên ngoài".
Ông Smirnov lập luận, chiếc máy bay đã phải chịu sự phá hủy đáng kể về cấu trúc thì mới không thể bay tiếp. "Phi hành đoàn hoàn toàn mất kiểm soát và do đó họ không thể báo cáo về sự cố trên máy bay", ông Smirnov nói. Tuy nhiên,, theo người đứng đầu Cơ quan hàng không Nga Alexander Neradko thì quá sớm để đưa ra nhận định nói trên.
Cơ quan điều tra đang xem xét tất cả các manh mối thông tin, từ việc điều tra hiện trường vụ tai nạn cho đến việc tham khảo ý kiến các chuyên gia Nga, Ireland và hãng Airbus - nơi chiếc máy bay được đăng ký. Ông Neradko cho biết, các quan chức có thể có được thông tin cụ thể hơn khi phân tích hộp đen của chiếc máy bay.
Cả Cairo và Moscow đều sớm loại bỏ nguyên nhân do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra, bởi sự yếu kém về công nghệ lẫn chuyên môn của lực lượng này . Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (NIA) James Clapper cho biết, chưa thể loại trừ khả năng IS đứng sau vụ việc, nhưng ông nghĩ là không, bởi hiện chưa có bất kỳ bằng chứng trực tiếp nào liên quan đến yếu tố khủng bố.
Tổng thống Vladimir Putin đã mô tả vụ tai nạn là thảm họa hàng không tồi tệ nhất của Nga và cho rằng, đây là một "thảm kịch lớn". Phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow "không loại trừ bất kỳ trường hợp nào gây ra vụ tại nạn", nhưng đồng thời phản đối việc "phỏng đoán" các lý do.
Lịch sử an toàn hàng không của Nga vốn không mấy sáng sủa và vụ tai nạn này có thể sẽ đặt mối quan tâm về các hãng hàng không nhỏ hơn như Kogalymavia.
Minh Tuấn (theo AFP)