Ông John Wood trong buổi lễ khai trương một thư viện của Room to Read tại Việt Nam. |
Room to Read được thành lập vì mục đích xóa nạn mù chữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục. Đến nay, tổ chức này đã xây dựng 17.500 thư viện cùng nhiều trường học tại các vùng hẻo lánh ở châu Á và châu Phi.
Khi trái tim bị lay động
Trong một lần đi leo núi tại Nepal vào năm 1998, ông John Wood - Giám đốc Marketing của công ty Microsoft châu Á - Thái Bình Dương đã đến thăm một ngôi trường vùng núi Bahundanda. Ở đây, các em nhỏ phải học tập trong những căn phòng ẩm thấp, chật chội, thiếu thốn cả sách vở lẫn đồ dùng học tập.
Khi tiễn ông Wood ra về, thầy hiệu trưởng dè dặt đề nghị: "Liệu một ngày nào đó, anh có thể trở lại và mang cho chúng tôi một vài cuốn sách chứ?"
Không làm cho thầy và trò nhà trường thất vọng, sau khoảng một năm kêu gọi quyên góp, vị giám đốc này đã mang tới Bahundanda 3.000 cuốn sách các loại. Chứng kiến sự vỡ òa sung sướng của lũ trẻ khi cầm những cuốn sách, ông Wood nhận ra mục tiêu đích thực của đời mình.
Ngay sau khi trở về, John Wood rời vị trí giám đốc của Microsoft và cùng người bạn Dinesh Shrestha sáng lập Room to Read. Năm 2001, Erin Ganju tham gia tổ chức này với tư cách đồng sáng lập và đưa dự án xây dựng trường học, thư viện đến Việt Nam. Kể từ đó đến nay, tổ chức phi chính phủ này đã có mặt tại mười quốc gia châu Á và châu Phi.
Nhà xuất bản bất đắc dĩ
Trong suốt quá trình đưa con chữ đến cho trẻ em nghèo, ông Wood và các cộng sự đã gặp không ít thách thức. Một trong số đó chính là rào cản về ngôn ngữ. Ông chia sẻ: "Với một số ngôn ngữ, chúng tôi không có sách dành cho trẻ em. Chính vì thế, tổ chức đã phải tự xuất bản sách và tài liệu giảng dạy bằng ngôn ngữ địa phương".
Tính đến thời điểm này, Room to Read đã xuất bản được hơn 1.000 đầu sách bằng các ngôn ngữ như Khmer, Nepal, Zulu, Lào, Xhosa, Chhattisgarhi, Tharu, Tsonga, Garhwali và Bundeli. Với thành quả này, một số người đã gọi vui Room to Read là "nhà xuất bản sách thiếu nhi lớn nhất nhưng ít người biết tới".
Ông Wood cũng đặt ra những nguyên tắc cho các thư viện mà tổ chức của mình xây dựng, chẳng hạn như "Những người thủ thư không bao giờ được khóa tủ sách. Những cuốn sách luôn phải xếp ngay ngắn trên kệ và ngang tầm mắt của lũ trẻ".
Room to Read cũng khuyến khích các em mang sách về nhà. Tổ chức này bố trí người giám sát để đánh giá sự tiến bộ của trẻ và thông báo rộng rãi để các "Mạnh Thường Quân" có thể biết được hiệu quả của số tiền mà họ đã tài trợ.
Không chùn bước trước đe dọa
Bên cạnh mục tiêu xóa nạn mù chữ, Room to Read rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục. Kể từ khi ra đời đến nay, tổ chức này đã hỗ trợ thành công cho 13.500 bé gái được đến trường. Cựu giám đốc của tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới này cho biết: "Chỉ cần 190 Bảng là chúng tôi đã có thể giúp cho một bé gái đến trường trong vòng một năm. Nếu được giáo dục tốt, khi lớn lên, cô bé ấy sẽ có được một công việc với thu nhập cao, được coi trọng hơn trong xã hội".
Tuy nhiên, không phải ở bất cứ nơi nào, dự án hỗ trợ các bé gái đến trường của Room to Read cũng được mọi người hoan nghênh. Ở Nigeria, nhóm vũ trang Hồi giáo Boko Haram đã khủng bố tinh thần các thành viên của tổ chức và tiến hành các vụ bắt cóc con tin để ngăn ông Wood và các cộng sự tiếp tục công việc.
"Một số kẻ muốn chúng tôi nản lòng với dự án này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nhiều bé gái được đến trường hơn nữa. Đó chính là đòn đáp trả của Room to Read đối với những hành động đe dọa", ông Wood khẳng định.
Trang Ngân