Liệu Tổng thống Traian Basescu có thành công trong nhiệm kỳ 2 với chính sách thắt lưng buộc bụng của mình?. |
Thắng sít sao
Với 50,3% số phiếu bầu, đương kim Tổng thống Traian Basescu đã đắc cử nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử hôm 6/12. Mặc dù Đảng Dân chủ Xã hội (PSD) đối lập tố cáo gian lận nhưng các chính đảng ở Romania cũng đã bắt đầu tiến trình tham vấn hình thành liên minh cầm quyền, để lập chính phủ mới. Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (PDL), đảng ủng hộ Tổng thống Traian Basescu, cho biết sẽ thảo luận vấn đề thành lập liên minh ngay sau khi Tòa án Hiến pháp phê chuẩn kết quả bầu cử.
Mặc dù uy tín của Tổng thống Basescu giảm sút trong thời gian gần đây do những bất đồng xung quanh các biện pháp ứng phó với cơn bão khủng hoảng tài chính và mâu thuẫn chính trị, nhưng ông vẫn giành được sự ủng hộ rộng rãi, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Với việc đưa nước này gia nhập Liên minh châu Âu đầu năm 2007 và chủ trì một hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm 2008 - đỉnh cao trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, vị thế quốc tế của Romania được cải thiện đáng kể. Dẫu vậy, ông cũng đã phải vượt qua những lần thử lửa thót tim để nắm giữ quyền lực khi liên tục bị chỉ trích đã kích động bất ổn chính trị và liên kết với giới kinh doanh bị cáo buộc tham nhũng. Quan hệ của ông với Quốc hội cũng nhiều trắc trở khi ông bị Quốc hội luận tội năm 2005. Dù vậy, ông vẫn giữ được chiếc ghế tổng thống bởi dân chúng vẫn bỏ phiếu ủng hộ ông trong một cuộc trưng cầu dân ý sau đó.
Rời “đường vành đai”
Người dân Romania đi bầu tổng thống giữa lúc đất nước đang phải hứng chịu khủng hoảng kinh tế nặng nề, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bị giảm hơn 8% và thâm hụt ngân sách cũng ở mức tương tự. Đây là điều chưa từng thấy ở Romania trong vòng 20 năm qua. Vốn đang trong cuộc suy thoái trầm trọng, nền kinh tế Romania dự kiến sẽ giảm khoảng 8,5% trong năm nay. Thêm nữa, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phong tỏa khoản tín dụng trị giá 1,5 tỷ euro (2,22 tỷ USD) vì Romania chưa có một chính phủ hoặc ngân sách năm 2010. Romania rất cần khoản tiền này để trả lương và lương hưu nhưng không thể nhận được trước ngày 1/1/2010. Khoảng 1,3 triệu nhân viên nhà nước sẽ không được thanh toán 8 ngày tiền lương vào cuối năm 2009.
Việc cử tri Romania lựa chọn ông Basescu tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai cho thấy người dân quốc gia này vẫn đặt niềm tin vào vị Tổng thống trung tả với cam kết sẽ đưa Romania thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế hiện tại. Điều này cũng cho thấy cử tri nước này đã gạt bỏ những quan ngại về lợi ích để ủng hộ chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà ông Basescu muốn thực hiện nhằm giảm thâm hụt ngân sách và tăng phát triển của đất nước, theo đó sẽ giảm lương, cắt giảm khoảng 150.000 việc làm trong lĩnh vực công.
Để lọt vòng "sơ khảo" của các định chế quốc tế, nhiệm vụ trước mắt của tân Tổng thống Romania là phải cải thiện quan hệ với các chính đảng đối lập, giải quyết tình trạng, tranh giành quyền lực đang tồn tại nhằm thành lập cho được một chính phủ ổn định.
Tuy vậy, chặng đường tiến tới một chính phủ ổn định ở Romania không ít chông gai. Các bất đồng cố hữu giữa các nhóm chính trị cánh tả và trung dung đang đe dọa mọi triển vọng thay đổi thực sự ở Romania. Các nhà bình luận cho rằng tệ tham nhũng và lịch sử các cuộc đối đầu tranh giành quyền lực là các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bế tắc chính sách hiện nay. Một nhà ngoại giao phương Tây ở Bucarest ví von: "Romania sẽ chỉ luẩn quẩn trên con đường vành đai, chứ không thể hướng ra quốc lộ trong thời gian trung hạn".
Cái giá phải trả cho cuộc khủng hoảng chính trị này là vô cùng nghiêm trọng. Gyula Toth, nhà phân tích về Đông Âu tại ngân hàng Unicredit của Italia, cho rằng đối với các nhà đầu tư điều quan trọng nhất là một chính phủ ổn định và điều này xem ra không dễ ở Romania hiện nay.
Ngân Thơ