📞

Rửa tiền đã lan rộng khắp châu Á

08:12 | 13/08/2012
Những nhà thực thi pháp luật ở Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và Philippines đã đưa ra nhiều chiến dịch chớp nhoáng nhằm mục tiêu triệt phá đường dây tội phạm rửa tiền đã lừa đảo và tống tiền nhiều công dân châu Á với thiệt hại lên tới hàng triệu USD.
Ảnh minh họa

Tinh vi và chuyên nghiệp

Bọn tội phạm này, thường là thành viên của một tổ chức xuyên quốc gia, bắt đầu có hoạt động phạm pháp từ năm 2007. Chúng gọi điện thoại cho nạn nhân đã “nhắm trước” và nói rằng thay mặt cảnh sát cho biết tài khoản ngân hàng của nạn nhân đang bị lạm dụng bởi những kẻ rửa tiền và các tổ chức khủng bố, sau đó hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền vào "tài khoản an toàn" được kiểm soát và thuộc sở hữu của tổ chức này.

Theo Liu Ancheng, Phó Giám đốc Cục Điều tra Hình sự của Trung Quốc (CIB), bọn tội phạm này sẽ rút số tiền đó qua máy ATM tại Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.

Hồi cuối tháng 5 năm nay, sau khoảng 2 năm điều tra, cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ 482 người từ Trung Quốc (TQ), Myanmar và Thái Lan vì tội đã lừa đảo tổng số tiền khoảng 11,5 triệu USD trong ít nhất 510 vụ việc.

Ban đầu, các nhóm này hoạt động ở TQ. Sau cuộc đàn áp hồi 2010, hoạt động của chúng đã được di chuyển đến các địa điểm khác nhau khắp châu Á, bao gồm Myanmar, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Fiji, Sri Lanka, Thái Lan và Đài Loan (TQ). Theo CIB, nhóm tội phạm này thu hút tuyển dụng bằng cách hứa hẹn mức lương cao, thị thực du lịch và tổ chức đào tạo các hoạt động rửa tiền chuyên nghiệp.

Theo cảnh sát Philippines, kết quả lớn nhất khi lần theo dấu vết là xác định được chính xác vị trí của các băng đảng tội phạm sử dụng giọng nói để gọi điện thoại qua địa chỉ IP. Hoạt động lừa đảo này được tiến hành qua rất nhiều giai đoạn: gọi điện thoại, duy trì các máy chủ và thiết bị mạng viễn thông; rút tiền, chuyển tiền và cuối cùng là rửa tiền.

Để bắt được nhóm này, các nhân viên CIB đã công khai yêu cầu nhiều lực lượng thực thi pháp luật của nhiều nước và vùng lãnh thổ, giúp đỡ lần theo dấu vết của những tên này trên khắp châu Á và châu Đại Dương.

Châu Á cần làm gì?

Hợp tác quốc tế là việc làm "rất quan trọng để triệt phá nhóm tội phạm lừa đảo qua điện thoại", Yang Dong, Phó Giám đốc Bộ phận điều tra hình sự của TQ cho biết.

Vấn đề đặt ra cho chính phủ các nước là làm gì để ngăn chặn nạn lừa đảo qua điện thoại và rửa tiền? Ở quy mô toàn cầu, người ta có INTERPOL. Châu Âu có EUROPOL. Vậy đã đến lúc để các chính phủ châu Á thành lập ra một ASIAPOL nhỏ hơn, nhưng có khả năng hợp tác mạnh mẽ hơn? Và ASIAPOL nên chiến đấu để chống lại nạn buôn lậu, hàng giả, khủng bố, buôn bán ma túy, rửa tiền, tội phạm có tổ chức, và những hoạt động tội phạm tương tự như thế trong khu vực.

Loại tội phạm này ngày càng chuyên nghiệp hơn, nhanh hơn, và thông minh hơn đòi hỏi những người làm pháp luật phải có tầm nhìn vượt ra ngoài biên giới quốc gia và tăng khả năng chia sẻ thông tin tình báo. Các nhà lập pháp cũng sẽ cần phải đưa ra hình phạt thích hợp hơn.

Hiện tại, cần khuyến khích triển khai một cách có hệ thống thỏa thuận hợp tác song phương giữa các lực lượng cảnh sát để tìm ra biện pháp nhận dạng kẻ đánh cắp, những kế hoạch lừa đảo và những âm mưu gian lận. Hoạt động của các đại sứ quán quanh khu vực cũng cần được củng cố để giúp các quốc gia sở tại trấn áp hoạt động tội phạm có nguồn gốc từ nước hay vùng lãnh thổ đó. Ngoài ra, cần tổng hợp và sắp xếp tài chính một cách thông minh hơn vì đây cũng là một cách để lần theo dấu vết. Có thể thu thập được vô số những mẩu tin tài chính quốc tế từ nhiều nguồn, kể cả ngân hàng, các doanh nghiệp dịch vụ tiền, và cá nhân.

Các công cụ như Palantir, Analyst's Notebook, ArcGIS, và Google Earth sẽ giúp họ dễ dàng hơn trong việc quản lý, sắp xếp thông qua khối lượng dữ liệu lớn và tạo điều kiện theo dõi các luồng tài chính và các tuyến đường buôn lậu. Tuy nhiên, nhiều quan chức chính phủ không sử dụng chúng và thậm chí không biết rằng chúng tồn tại. Việc bỏ qua những phát minh này làm giảm khả năng bắt giữ các nhóm tội phạm quốc tế.

Cuối cùng, các chính phủ nên tập trung thắt chặt quy định về thời gian tù và tiền phạt đối với những người có hành vi gian lận viễn thông. Ở TQ, án phạt cho loại tội phạm này từ 3 đến 10 năm. Tội phạm sẽ bị bỏ tù nếu số tiền vi phạm lên tới 500.000 nhân dân tệ.

Thành Châu (Theo Asia Times)