📞

Sa Pa: Chậm rãi và vội vã

08:26 | 07/07/2011
Một miền sơn cước lặng lẽ và mộc mạc ẩn mình trong bồng bềnh mây núi nhưng luôn ẩn chứa bao điều kỳ diệu. Cho dù bị tàn phá hoang tàn trong chiến tranh biên giới năm 1979, nhưng Sa Pa đã nhanh chóng hồi sinh để trở về nhịp sống vừa khiêm nhường lại vừa hào nhoáng của vùng đất “thiên đường du lịch" phía Bắc Tổ quốc.
Những thiếu nữ H’mông ở Sa Pa đang chào mời khách nước ngoài mua những món hàng thổ cẩm của mình.

Sau một giấc ngủ khoảng 5 giờ đồng hồ trên con tàu lặng lẽ chạy trong đêm từ ga Hà Nội đến Lào Cai, tiếp tục bắt ô tô đi khoảng hơn ba chục cây số trên quốc lộ 4D uốn lượn theo các sườn núi cao dần, thị trấn Sa Pa đã thấp thoáng hiện ra trong lảng bảng khói sương.

Hồn Sa Pa, da hiện đại

Vừa đến thị trấn, một cơn mưa bỗng bất ngờ ào đến, tôi vội tạt vào một quán cà phê wifi có cái tên rất tây: Coffee Queen trên phố Cầu Mây. Qua ô kính sáng choang, bên kia đường là hàng loạt những cửa hiệu, nhà hàng đủ loại, từ khách sạn, cửa hàng bán đồ lưu niệm, thuốc y dược... đến những quán bar, mát-xa, tắm lá thuốc... và hầu hết, đều mang những cái tên tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung và cả tiếng Italy. Thế nhưng, tương phản với những hình ảnh hiện đại ấy, là thấp thoáng từng tốp, từng tốp những người bán hàng lưu niệm vẫn cần mẫn bước đi nghiêng nghiêng trong gió mưa với những chiếc ô tím đỏ trên đầu và những đứa trẻ địu kín trên lưng…

Trong lúc chờ mưa tạnh, tôi gọi một tách trà, mà như Hồng - một nhân viên còn rất trẻ người Yên Bái cho biết đây là thức uống đặc trưng ở Sa Pa, gồm một chút quế, một chút cam thảo, tý gừng pha lẫn với trà xanh. Hồng trò chuyện, tuy vùng đất này là của người dân tộc thiểu số như H'mông, Dao Đỏ… nhưng hầu hết chủ của các nhà hàng ở Sa Pa đều là người Kinh, thậm chí cả của Tây và nhân viên cũng vậy, toàn ở nơi khác đến. Người dân ở đây, cánh đàn ông thì vào rừng làm gỗ hoặc làm nương, phụ nữ và trẻ con thì đi bán hàng rong. Hồng nói thêm, trẻ con ở trên này giỏi lắm nhé, có đứa mới 4 - 5 tuổi đã cõng em 2-3 tuổi trên lưng đi từ sáng sớm đến đêm, chúng có khi lại bán được nhiều hàng hơn người lớn đấy bởi kỹ năng bán hàng của chúng.

Quả đúng như vậy. Chị Yến, giáo viên Trường PTTH Yên Hòa dưới Hà Nội cũng "chia sẻ kinh nghiệm" với tôi. Chị kể khi vừa ra khỏi khách sạn, đã có một đứa trẻ cõng một đứa khác bé tí trên lưng trông khá lem luốc, lúc đầu còn mời mua hàng bằng tiếng Anh khá chuẩn. Sau khi biết là "người mình", nó liền nói: "cháu tặng cô này" và dúi vào tay chị hai món đồ. Thấy chị có vẻ ngạc nhiên, nó liền giải thích: "trông cô xinh, cháu tặng cô thôi!". Thế là chị Yến hiểu và đưa cho nó ít tiền. Nghĩ cũng thương chúng, vì cuộc sống, những người du lịch đến đây đã khiến chúng nghĩ ra kỹ năng bán hàng như vậy. Có lẽ, đó cũng là một nét quyến rũ, một hơi thở của nhịp sống hiện đại hòa trộn trong cái khiêm nhường và mộc mạc vốn có của người dân vùng đất này.

Có những Sa Pa khác

Sa Pa không chỉ có thế, không chỉ có những đứa trẻ bán hàng, khu nhà nghỉ sang trọng, nhà hàng ăn đủ kiểu, khách du lịch với đủ màu da... mà chỉ cần ra khỏi thị trấn chừng 10km, là du khách đã bước vào một thế giới khác. Đó là một thế giới nguyên sơ và thanh bình như bản Ý Linh Hồ, Lao Chải, Tả Van, Cát Cát... với những thửa ruộng bậc thang, những nương thảo quả, những vạt hoa dại hai bên đường và những khóm hoa đủ màu trước những ngôi nhà lợp tranh có bờ rào đá bao quanh… Ở đây, dường như cái nhộn nhạo và hào nhoáng của trung tâm Sa Pa không hề ghé qua.

Thế nhưng, ở bản Tả Phìn thì khác. Chỉ cách thị trấn khoảng 12km, men theo những đoạn đường quanh co uốn lượn với những bức tranh ruộng bậc thang bày ra trước mắt, qua một Tu viện cổ hoang tàn bởi chiến tranh và thời gian là đã đến Tả Phìn. Ngay tại đầu xã - nơi đỗ xe của du khách đã có đến gần hai chục phụ nữ người Dao đang chờ để "tháp tùng" du khách vào Bản. Họ đủ mọi lứa tuổi và hành trang họ mang theo đơn giản chỉ là những chiếc gùi đựng nào khăn, nào mũ, nào túi… bằng thổ cẩm và tìm mọi cách để bán cho khách. Vừa xuống xe, tôi cũng được một cô gái trẻ giới thiệu là Lý Lở Mẩy đi cùng vào Bản. Mẩy khoe rằng có thể nói lưu loát cả tiếng Anh, Pháp, tiếng Kinh và dĩ nhiên là tiếng Dao. Em chỉ cho tôi trường Tiểu học Tả Phìn thấp thoáng trong thung lũng, nơi em đã theo học đến lớp 7. Em đã từng về Hà Nội làm và hồi đó, em được bạn bè gọi là Lý Minh Thủy cho dễ nhớ. Khi chia tay, em bán cho tôi hai chiếc ví thổ cẩm rất đẹp và nói cảm ơn vì mấy hôm nay, trời mưa quá nên chẳng bán được nhiều.

Hào nhoáng và lam lũ

Dọc đường về Hà Nội, có nhiều điều cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi cứ nghĩ về những ánh mắt trẻ thơ cõng nhau đi cùng du khách, những nụ cười vẫn rạng rỡ trên khuôn mặt các bà mẹ luôn có một đứa con nhỏ địu trên lưng… Tôi nghĩ, với tiềm năng, những nét đáng yêu của Sa Pa và người dân nơi đây, chắc rằng du khách sẽ tới đây ngày một đông hơn… Nhưng dường như nơi đây toát lên sự lam lũ, cơ cực của người dân, vẫn thấy sự manh mún, nhỏ lẻ mà chưa thấy sự quy hoạch chuyên nghiệp từng khâu nhỏ nhất trong các sản phẩm du lịch. Nếu du khách đến đây chỉ để ngắm mây, hoa và leo núi, thưởng thức các đồ nướng la liệt ở vỉa hè… mà không được sống trong không gian văn hóa đặc trưng của Sa Pa thì vẫn chưa đủ. Bởi nếu không vào mùa lễ hội, mỗi tuần ở đây chỉ có một phiên chợ tình vào tối thứ Bảy, nhưng giờ cũng đã bị "thương mại hóa" đi nhiều. Giá như có thêm các buổi ca múa nhạc, được xem những trò chơi dân gian, những điệu khèn… để ngoài việc cho khách giải trí thì cũng là một hình thức tập hợp thanh niên dân tộc giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của mình. Đó mới là sức quyến rũ thực sự và bền vững của vùng đất này.

Đức Khải