📞

Sắc màu Đạo Mẫu Nam Bộ

17:05 | 21/04/2014
Nhân dịp tháng Ba tiệc Mẫu và chào mừng Hồ sơ Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt được đề trình UNESCO thế giới xem xét ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, Trung tâm Nguyên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh An Giang, UBND tỉnh Đồng Nai đồng tổ chức Hội thảo Khoa học tín ngưỡng Thờ Mẫu tại Nam Bộ và Liên hoan nghi lễ Chầu Văn 2014.
Nghi lễ hát Bóng Rỗi, một trong những nghi lễ đặc trưng Đạo Mẫu ở Nam Bộ.

Hội thảo sẽ kéo dài từ ngày 24-28/4/2014 (tức 25/3- 29/3 Âm lịch) tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Nai.

Đạo Mẫu ở Việt Nam tổng quát gồm ba lớp kế tiếp và có mối quan hệ hữu cơ với nhau, đó là: Nữ thần, Mẫu thần và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Tuy nhiên Đạo Mẫu ở Nam Bộ, bên cạnh ba lớp giống Bắc Bộ, lại có những đặc trưng địa phương riêng. Ở Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định, thông qua tên gọi và xuất thân của các vị thần, thì ở Nam Bộ sự phân biệt ít rõ ràng hơn. Ví như ở Nam Bộ, Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Ngọc (Thiên Ya Na), Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen) được coi như là những Mẫu Thần và được tôn xưng là Thánh Mẫu, thì Bà Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) vừa có thể coi là Nữ thần (vì gọi là Bà) những trong đó có Thờ bà Thủy Long, Bà Hỏa… (đây lại là các thần: thần nước, thần lửa) vậy vừa có thể coi là Mẫu Thần. Hay, nghi lễ Chầu Văn trong Đạo Mẫu ở Bắc Bộ thì ở Nam Bộ có thêm nghi lễ hát Bóng Rỗi…

Xung quanh việc đề cập những nét sắc thái riêng Đạo Mẫu ở Nam Bộ nói riêng và Đạo Mẫu Việt Nam nói chung, Hội thảo lần này và Liên hoan nghi lễ Chầu Văn 2014 còn có các hoạt động tổ chức trong khung cảnh thực tế tại Đền Mẫu Phủ Dày (Ngã 5 Bình Hòa- TP Hồ Chí Minh); Miếu Bà Chúa Sứ Núi Sam, TP. Châu Đốc, An Giang; Khu Văn hóa Tâm linh Triệu Gia Trang huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, sẽ làm rõ nét, mới thêm và phong phú hơn nữa Đạo Mẫu Việt Nam.

Minh Hòa