📞

Sách giáo khoa mới lớp 1: Sau học kì I, học sinh đọc trơn tru, giáo viên đỡ 'ngạt thở'?

08:30 | 22/01/2021
TGVN. Hết học kì I, tại một số trường khi áp dụng chương trình sách giáo khoa mới lớp 1, giáo viên nói dạy học 'dễ thở' hơn, chất lượng không chênh so với chương trình cũ.
Sau khi áp dụng sách giáo khoa mới lớp 1, học sinh lớp 1 đọc trơn tốt hơn chương trình cũ?

Học sinh đọc trơn tốt hơn

Sáng 20/1, học sinh lớp 1B, Trường tiểu học Cự Đồng (Thanh Sơn, Phú Thọ) vào giờ học theo chủ đề, bài học "cơ thể thơm tho".

Học sinh được mời lên bảng, đóng vai mẹ - con để trải nghiệm. Một số giáo viên cho biết, khác trước đây, khi gọi lên bảng em nào cũng e dè. Ở chương trình mới, học sinh cọ xát nhiều hơn, việc thử nghiệm đóng vai nhân vật trong bài học "trơn tru" hơn.

Thay vì đọc chép như trước, việc học sinh chủ động tiếp cận bài học như thế này là một trong những đặc điểm nổi bật của chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình phổ thông 2018).

Cô Bùi Thị Phương Anh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1B cho biết, kết thúc học kì I, học kì đầu tiên học sinh lớp 1 tiếp cận với chương trình sách giáo khoa (SGK) mới có khả quan. So với chương trình cũ, học sinh đọc trơn (đọc lưu loát không phải đánh vần) tốt hơn. Nếu dạy chương trình cũ, đến thời điểm này, một phút học sinh đọc trơn được hơn 20 từ.

Trong khi học chương trình mới, kết thúc học kì I, học sinh đọc trơn một phút được khoảng 40 từ, nhiều gần gấp đôi. Kĩ năng tính toán cũng nhanh hơn.

Tại Trường tiểu học Thọ Sơn (Việt Trì, Phú Thọ), thời điểm này học sinh lớp 1 vừa kết thúc học kì đầu tiên của năm học.

Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường tiểu học Thọ Sơn cho hay, so với chương trình cũ, học sinh học chương trình mới tự tin, chủ động tìm hiểu bài học hơn.

Kĩ năng đọc, viết và tính toán nhanh hơn so với chương trình cũ. Đặc biệt, thời điểm này, nếu học chương trình cũ, học sinh vẫn phải viết chữ cỡ lớn nhưng kết thúc kì I, lứa học sinh này đã viết được chữ cỡ nhỏ- một trong những kĩ năng rất khó của học sinh lớp 1.

Giáo viên đỡ "ngạt thở"

Khoảng hai tháng đầu tiên bắt tay thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh kêu phải "lăn lê bò càng" vì chương trình mới khó, quá tải…

Nhiều giáo viên cho biết, mình thường xuyên phải về nhà khi tối muộn vì bài vở.

Thời điểm đó, một số giáo viên vùng núi cho hay, học sinh khá khó khăn trong việc đánh vần và ghép từ, đặc biệt nối các từ dài.

Nguyên nhân, đa số học sinh học hết mầm non đều chưa nhận biết được hết mặt chữ cái, lên lớp 1 các em chưa quen.

Cùng với đó, lượng kiến thức trong 1 bài học lớn, chẳng hạn như trong một bài học mà học sinh phải học 2 âm, nên các em không theo kịp, mà thời lượng học quá ít, trong 2 tiết phải thực hiện đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Tuy nhiên, ghi nhận sau khi kết thúc học kì I, nhiều hiệu trưởng đánh giá chất lượng học sinh tương đương năm học trước, thậm chí một số kĩ năng "mềm" nhỉnh hơn so với học chương trình cũ.

Cô Bùi Phương Anh, giáo viên gần 10 năm dạy lớp 1 cho biết, năm ngoái lớp cô có từ 7-8 học sinh chưa đạt yêu cầu khi kết thúc học kì I. Tuy nhiên năm nay, lớp cô chỉ có khoảng 3-4 em không đạt yêu cầu.

"Việc bắt tay vào cái gì mới tất nhiên đều khó khăn. Khoảng vài tháng đầu tiên, chúng tôi 'sốc' vì cùng lúc quá nhiều công việc: Vừa tiếp cận SGK mới, vừa phải thay đổi phương pháp dạy học, soạn bài…

Những ngày đầu, chúng tôi 'ngạt thở' vì chưa bắt kịp nhưng đến thời điểm này, khi mọi thứ 'chạy trơn tru', giáo viên quen hơn", cô nói.

Cô Trần Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thọ Sơn cho biết, nhà trường lập nhóm zalo tương tác giữa giáo viên chủ nhiệm lớp 1 với học sinh.

Sau mỗi bài học, giáo viên chủ nhiệm gửi thông tin về gia đình và đề nghị phụ huynh phối hợp với giáo viên thực hiện những phần việc nào để việc học tập tốt hơn.

Cuối buổi dạy, các giáo viên lớp 1 và hiệu trưởng cùng ngồi lại để xem hôm đó có vướng mắc gì không để giải quyết.

"Chúng tôi tổ chức nhiều buổi dự giờ. Việc dự giờ nhằm chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau tiến bộ, không phải "soi" đồng nghiệp.

Vì thế, chúng tôi được hoan nghênh, chào đón ở mỗi tiết dự giờ. Thậm chí, có giáo viên mong muốn được thêm tiết dự giờ để trao đổi kinh nghiệm", cô Nguyệt cho biết.

Cũng theo Hiệu trưởng Minh Nguyệt, kết thúc học kì I, nhà trường ra đề khảo sát học sinh lớp 1.

Đề thi được bảo mật, giáo viên lớp 2 trông thi và giáo viên chéo môn lên điểm nên kết quả khá chính xác.

Theo nhà trường, sau khi sơ kết học kì I cho thấy, 100% học sinh đọc, viết tốt. Đặc biệt kĩ năng đọc trơn tốt hơn so với học sinh lớp 1 của năm trước.

100% học sinh lớp 1 của trường này viết cỡ chữ nhỏ, có thể nghe, viết và tự viết họ tên vào bài kiểm tra cuối học kì.

Thông qua hoạt động, học sinh tự tin, giao tiếp tốt hơn, nhờ học liệu điện tử, học sinh tiếp cận nhanh hơn với các bài học trên Internet.

Th.S nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho hay, ban đầu tiếp cận chương trình SGK mới có nhiều bỡ ngỡ nhưng qua một học kì thực hiện cho thấy, thầy cô sáng tạo, linh hoạt hơn trong dạy học.

Học sinh đáp ứng được yêu cầu tốt, đặc biệt tự tin hơn rất nhiều, chủ động hơn trong học tập.

Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo, tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường để trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ khó khăn nếu có.

(theo Dân trí)