Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản đánh giá, Trung Quốc hành động đơn phương cưỡng ép ở Biển Đông. (Nguồn: US Navy) |
Về môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, Bộ Quốc phòng nhận định các cường quốc quân sự đang tập trung ở các khu vực xung quanh nước này, với các xu hướng rõ ràng như tăng cường sức mạnh quân sự và gia tăng các hoạt động quân sự.
Trong phần này, Sách Trắng đề cập chính sách quốc phòng của các nước. Theo đó, nhận định việc Triều Tiên tiến hành 6 vụ thử hạt nhân và được cho là đã thu nhỏ vũ khí hạt nhân để lắp trên các tên lửa đạn đạo, cũng như các vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng trong những năm gần đây, là “những xu hướng quân sự gây quan ngại nghiêm trọng đối với an ninh của Nhật Bản".
Về chính sách quốc phòng của Mỹ, Sách Trắng cho rằng, Washington đã thừa nhận cạnh tranh chiến lược với các cường quốc như Trung Quốc và Nga là một thách thức chủ yếu đối với an ninh của Mỹ. Đặc biệt, Mỹ xếp Trung Quốc đứng đầu danh sách các ưu tiên và các khu vực cần tập trung nhiều nhất về mặt an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ ưu tiên bố trí các lực lượng quân sự tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu, giảm sự hiện diện quân sự ở Trung Đông và châu Phi.
Đối với Trung Quốc, Sách Trắng quan ngại về việc Bắc Kinh tiếp tục các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Trong Sách Trắng, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ trích Bắc Kinh về âm mưu "không ngừng" làm xói mòn quyền kiểm soát của Tokyo đối với quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, ngay cả vào thời điểm rất cần sự hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Sách Trắng cho rằng, Trung Quốc đang tăng cường năng lực tiến hành các hoạt động ở các khu vực xa hơn như Ấn Độ Dương. Với việc cộng đồng quốc tế đang phải vật lộn chống dịch thì một sự lây lan virus rộng rãi hơn nữa "có thể làm bộc lộ và tăng cường sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước đang có ý đồ tạo ra những trật tự khu vực và thế giới có lợi hơn với các nước này và mở rộng tầm ảnh hưởng của họ".
Báo cáo quốc phòng cũng chỉ rõ, Bắc Kinh đã và đang "lợi dụng" sự hỗ trợ liên quan tới Covid-19 với các nước khác nhằm tăng cường những lợi ích chính trị và kinh tế của mình, đồng thời can dự vào một chiến dịch tuyên truyền như "lan truyền thông tin sai lệch" trong bối cảnh bất ổn xã hội và hỗn loạn xuất phát từ đại địch. Do đó, những động thái này phải được theo dõi chặt chẽ như "những vấn đề an ninh".
Liên quan vấn đề Biển Đông, Sách Trắng nhận định Trung Quốc đang thúc đẩy quân sự hóa, mở rộng và tăng cường các hoạt động ở trên biển và trên không, qua đó tiếp tục các nỗ lực đơn phương và mang tính cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển này.
Đối với Nga, Sách Trắng cho rằng cần theo dõi sát sao việc Nga hiện đại hóa trang thiết bị quân sự, trong đó có các lực lượng hạt nhân chiến lược, và tăng cường các hoạt động quân sự. Sách Trắng lưu ý việc Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (AFRF) đang đóng quân trên quần đảo Kuril mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, và đang gia tăng hoạt động trong thời gian gần đây.
Trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng phức tạp như vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh các mục tiêu của chính sách quốc phòng là tạo ra môi trường an ninh mà Nhật Bản mong muốn bằng cách hợp nhất và xây dựng các sức mạnh có thể sử dụng bất cứ khi nào cần; ngăn chặn và chống trả các mối đe dọa đối với Nhật Bản.
Theo Sách Trắng, 3 trụ cột trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản là cấu trúc phòng thủ riêng của Nhật Bản, quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ và hợp tác an ninh.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng chỉ ra 2 ưu tiên trong việc tăng cường năng lực quốc phòng của nước này, gồm: tăng cường năng lực cần thiết để thực hiện các chiến dịch phối hợp giữa các binh chủng, và tăng cường thành phần cốt lõi hình thành nên năng lực quốc phòng thông qua việc củng cố nguồn nhân lực, công nghệ và công nghiệp quốc phòng, rà soát lại cơ cấu trang thiết bị quân sự.