📞

Saddam Hussein – cái tên vẫn ám ảnh nước Mỹ sau 1 thập kỷ

09:50 | 02/01/2017
Mười năm sau khi Saddam Hussein bị tử hình, "bóng ma" của nhà lãnh đạo Iraq này vẫn tiếp tục đeo bám nước Mỹ…

Cái tên Saddam Hussein trở thành một nỗi ám ảnh, luôn nhắc nhở cường quốc số một thế giới về thất bại của họ trong tham vọng mang lại ổn định và dân chủ cho Trung Đông.

Khi ông Saddam bị treo cổ tại Baghdad ngày 30/12/2007 thì cũng là lúc Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush nhận thức được rằng sự can thiệp của họ vào Iraq, vốn phải trả giá bằng sinh mạng của 3.000 binh sĩ Mỹ, đã không mang lại tiến triển cho tham vọng của Washington. Khi đó, ông Bush đã thừa nhận rằng “rất nhiều lựa chọn khó khăn và sẽ còn nhiều hy sinh nữa vẫn ở trước mắt”.

Một cậu bé cầm ảnh Saddam Husein. (Nguồn: Reuters)

Một Iraq dân chủ mà ông Bush đã hình dung hóa ra lại chỉ là một giấc mơ viển vông, khi mà người Mỹ đã không thể chấm dứt vòng xoáy chết chóc của bạo lực, phe phái tại quốc gia này. Cộng đồng thiểu số người Sunni từng cai trị Iraq đang ngày càng bất mãn trước một chính phủ với đa số là người Shi'ite, và sự oán giận đó đã thổi bùng lên sự nổi dậy của nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo với các cựu quan chức quân đội dưới thời Saddam trong hàng ngũ.

Hơn 5.000 binh lính Mỹ vẫn còn ở thực địa để sẵn sàng có những hỗ trợ thiết yếu cho một quân đội Iraq hiện vẫn không đủ khả năng để đơn thương độc mã trong một cuộc chiến chống lại các phần tử cực đoan bạo lực. Công chúng Mỹ, những người từng ủng hộ mạnh mẽ cho việc quân đội Mỹ tiến vào Iraq năm 2003, hiện vẫn đang trong quá trình phục hồi sau những tổn thương của thời chiến.

Những thất bại tại Iraq đã có tác động mạnh mẽ tới Tổng thống Mỹ Barack Obama trong quyết định không can thiệp quân sự để lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại quốc gia đang oằn mình bước sang năm thứ 6 của cuộc nội chiến đẫm máu.

Trong khi đó, ông Donald Trump, người kế nhiệm của ông Obama, cũng đã gây dựng phần nào chiến dịch tranh cử tổng thống của mình bằng những lời cam kết rằng Mỹ sẽ không bao bao giờ can thiệp vào một “sự thay đổi chế độ” hay “xây dựng nhà nước” nữa. Ông Trump cũng nhiều lần nhắc lại rằng khác với đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton của mình, ông phản đối cuộc chiến tại Iraq, mặc dù trước đó ông từng phát biểu ngược lại trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2002 với kênh phát thanh tư nhân Howard Stern.    

John Nixon, chuyên gia đầu tiên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng tham gia thẩm vấn Saddam Hussein sau khi ông này bị bắt giữa vào tháng 12/2003, đã nói trong một cuốn sách mới của mình rằng các quan chức tình báo Mỹ và Nhà Trắng đã sai lầm trong quan điểm về lãnh đạo độc tài Iraq này.

Nixon đã kể một câu chuyện về cuộc trao đổi với cựu Tổng thống Bush tại Phòng Bầu dục vào năm 2007, một câu chuyện có thể giúp người ta hiểu được vì sao nước Mỹ đã thất bại ê chề tại Iraq. Khi đó, Bush đã yêu cầu Nixon mô tả về tính cách của Saddam. Bush đã “đổ mọi lỗi lầm lên CIA rằng họ đã sai lầm và gọi các chuyên gia của CIA là những kẻ chỉ biết phỏng đoán”, trong khi ông ấy chỉ toàn nghe những gì mình muốn nghe”, Nixon nói.

Tuy nhiên, theo một trích đoạn trong cuốn sách mà ông Nixon đã xuất bản, ông có viết rằng: “Mặc dù tôi coi Saddam là một kẻ cực kỳ đáng ghét, song trong tôi vẫn tồn tại một sự tôn trọng với cách mà ông ta đã làm để duy trì đất nước Iraq một cách trọn vẹn trong suốt thời gian tại nhiệm. Chắc chắn, một nhóm cực đoan như IS sẽ không thể thành công đến như vậy dưới một chế độ hà khắc như dưới thời Saddam”.

(theo AFP)