Hội nghị Tập huấn công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế năm 2019 nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng của cán bộ làm công tác ĐƯQT, TTQT thuộc các Bộ ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. |
Đây là Hội nghị thường niên nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng của cán bộ làm công tác Điều ước quốc tế (ĐƯQT), Thỏa thuận quốc tế (TTQT) thuộc các Bộ ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Lê Thị Tuyết Mai chủ trì hội nghị. Tham dự có có đại diện các bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ở Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Lê Thị Tuyết Mai cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực triển khai các cam kết quốc tế và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận nhân danh Nhà nước, Chính phủ; đánh giá cao sự nỗ lực và chủ động tích cực của các bộ, ngành đã phối hợp với Bộ Ngoại giao triển khai công tác đối ngoại trong thời gian qua, trong đó có công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Lê Thị Tuyết Mai chủ trì hội nghị. |
Đại diện Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao trình bày báo cáo dẫn đề giới thiệu một số văn bản mới trong công tác này gồm, Chỉ thị số 25/CT-TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế và Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 24/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục ký kết, thực hiện thỏa thuận nhân danh Chính phủ và kiến nghị Chủ tịch nước quyết định ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước không phải là điều ước quốc tế. Công tác thực hiện ĐƯQT, TTQT sau khi ký trên thực tế cũng còn nhiều bất cập, do đó cần đề xuất các biện pháp tháo gỡ.
Trong năm 2019, công tác điều ước quốc tế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, Việt Nam đã ký một số hiệp định quan trọng như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu; Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu; hai điều ước quốc tế song phương về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Campuchia: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Đây là lần đầu tiên Việt Nam và Campuchia ký được văn kiện pháp lý quan trọng về phân giới cắm mốc trên đất liền giữa hai nước.
Về điều ước quốc tế đa phương, năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam tham dự Sự kiện điều ước quốc tế, hoạt động bên lề Khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hàng năm. Việt Nam đã tiến hành thủ tục gia nhập ba công ước quốc tế quan trọng của Tổ chức Lao động quốc tế, bao gồm, Công ước số 88 về tổ chức dịch vụ việc làm, Công ước số 159 về Phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật, Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Thông qua Hội nghị này, cán bộ làm công tác ĐƯQT, TTQT của các Bộ, ngành đã được cập nhật những văn bản mới nhất trong công tác ĐƯQT, TTQT; được hướng dẫn các bước xây dựng Kế hoạch thực hiện ĐƯQT theo quy định của Luật ĐƯQT 2016; được thông tin về một số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng tích cực trao đổi, thảo luận về những vướng mắc, bất cập và kiến nghị các biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện công tác ĐƯQT, TTQT.