Tham gia đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN hay APEC mang lại khá nhiều cơ hội cho kỹ sư. (Nguồn: Đại học Đà Nẵng) |
Khả năng tiếp cận thị trường mới
Sự dịch chuyển lao động là xu thế tất yếu xảy ra khi các quốc gia, các vùng lãnh thổ chấp nhận hội nhập, kết nối tạo thành một thị trường chung do nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế, công nghệ và tăng cường lợi thế cạnh tranh trong khu vực.
Hơn thế, dịch chuyển lao động đem đến những lợi ích kinh tế đáng kể cho các vùng lãnh thổ cũng như cho các cá nhân, cho phép khai thác được các tài nguyên mới được phát hiện, Đồng thời, tăng hiệu quả trong việc sử dụng nguồn nhân lực cũng như nâng cao cơ hội nghề nghiệp cho các cá nhân đang ở các khu vực có ít cơ hội hoặc cơ hội kém hơn.
Khác với lao động phổ thông, dịch chuyển lao động là đòi hỏi người kỹ sư phải đạt được chuẩn mực về năng lực trước khi hành nghề hoặc trước khi sử dụng chức danh nghề nghiệp của họ.
Tại Hội thảo Tiến trình gia nhập kỹ sư APEC: Chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn công tác đào tạo các ngành kỹ thuật khu vực ASEAN và APEC, PGS, TS Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) cho rằng Liên đoàn Kỹ sư APEC là một tổ chức uy tín quy tụ các kỹ sư từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Việc gia nhập liên đoàn này có thể mang lại nhiều lợi ích cho các kỹ sư và các tổ chức khoa học và công nghệ, các hội ngành kỹ thuật của chúng ta, bao gồm khả năng tiếp cận các thị trường mới, cơ hội kết nối và khả năng chia sẻ kiến thức cũng như chuyên môn với các chuyên gia khác”, PGS, TS Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam có 639 kỹ sư thuộc các ngành nghề khác nhau đăng bạ là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN và chúng ta đang khuyến khích chuyển đổi thành kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN. Do các quốc gia ASEAN đều có định hướng hội nhập với khu vực rộng hơn là khối APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương), nên đã thống nhất xây dựng hệ thống đăng bạ mới phù hợp hơn với hệ thống đăng bạ kỹ sư của APEC.
Năm 2023, Liên hiệp Hội Việt Nam có chủ trương nghiên cứu, tham gia các cơ chế hội nghề nghiệp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC) nhằm kết nối và tạo điều kiện để kỹ sư Việt Nam tiếp cận với tiêu chuẩn nghề nghiệp cấp APEC. Thỏa thuận có giá trị thừa nhận lẫn nhau về trình độ của kỹ sư APEC do Liên đoàn Kỹ thuật Quốc tế (IEA) đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện ở các nền kinh tế APEC, trong đó hiện nay đã có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đạt được chuẩn của thỏa thuận APEC.
Xu hướng dịch chuyển lao động kỹ thuật vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các kỹ sư Việt Nam. (Nguồn: Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội) |
Nhiều kinh nghiệm khi đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN
GS. Norlida Buniyamin, Chủ tịch Viện Kỹ sư Malaysia (IEM), Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức Kỹ sư Đông Nam Á (AFEO) thông tin, tiêu chí để trở thành kỹ sư APEC cần đáp ứng các yêu cầu. Cụ thể, tại thời điểm đăng ký cần đạt mức học tập tương đương với sinh viên tốt nghiệp có bằng kỹ sư được công nhận bởi một tổ chức thành viên chính thức và phù hợp với các điều khoản của Thỏa thuận Washington. Đồng thời, được đánh giá trong nước là đủ điều kiện để hành nghề độc lập; có tối thiểu 7 năm kinh nghiệm hành nghề kể từ khi tốt nghiệp. Ngoài ra, phải có ít nhất 2 năm phụ trách công tác kỹ thuật; duy trì phát triển nghề nghiệp liên tục theo quy định.
Nêu bối cảnh và sự cần thiết của việc nghiên cứu, tham gia tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo của các ngành kỹ thuật Việt Nam hiện nay, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay, ở Việt Nam, hiện tồn tại song song hai loại đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN và kỹ sư chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phụ trách đăng bạ kỹ sư ASEAN và Bộ Xây dựng phụ trách việc đăng bạ kỹ sư tiêu chuẩn ASEAN.
Theo ông Đặng Việt Dũng, tham gia đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN hay APEC mang lại khá nhiều cơ hội. Đối với các kỹ sư là cơ hội việc làm trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, có nhiều triển vọng, cơ hội thăng tiến về nghề nghiệp, về chuyên môn kỹ thuật và cả cơ hội về thu nhập.
Đối với các cơ sở đào tạo là cơ hội mở rộng thị trường đào tạo, cơ hội cải thiện thứ hạng trên trường quốc tế và cơ hội xây dựng những chương trình đào tạo chuyên sâu, hội nhập quốc tế. Đối với đơn vị có sử dụng kỹ sư là cơ hội tuyển chọn lực lượng lao động đào tạo có chuyên môn cao, có tay nghề, có ý thức kỷ luật.
“Bên cạnh đó, chúng ta phải đối mặt với một số thách thức như yêu cầu phải đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn chuyên môn của các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế, cải tiến nội dung chương trình đào tạo chuyên môn các kỹ sư, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, kỹ năng sống, kỹ năng làm việc theo nhóm hay cường độ làm việc cao cho các kỹ sư Việt Nam”, TS. Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
Đặc biệt, yêu cầu về việc tuân thủ chính sách về phát triển nghề liên tục, tức là hằng năm các kỹ sư chuyên nghiệp phải tiếp tục học tập, nghiên cứu, giảng dạy, hành nghề và tham gia vào các chương trình đào tạo để phục vụ việc xét công nhận lại kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN hoặc APEC và xác nhận về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của các Hội nghề nghiệp.
Thế giới đã và đang chứng kiến những bước nhảy vọt về công nghệ thông tin, Internet, tự động hóa và phát triển dựa trên trí thức và trí tuệ nhân tạo. Triển vọng của kinh tế thế giới sẽ có những thay đổi lớn trong vòng 10 đến 15 năm tới. Những công nghệ mới sẽ tiếp tục có tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là về mặt năng suất, hiệu quả lao động, đồng thời tạo ra sự dịch chuyển mạnh mẽ về lao động kỹ thuật.
"Xu hướng dịch chuyển lao động kỹ thuật là tất yếu, lợi ích mang lại từ quá trình dịch chuyển lao động là không thể phủ nhận. Việc sẵn sàng hành trang cho lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam tham gia vào quá trình này thông qua việc đăng bạ kỹ sư là trách nhiệm các cơ sở đào tạo kỹ sư, của các Hội nghề nghiệp và bản thân từng kỹ sư", TS. Đặng Việt Dũng nói.