Nhỏ Bình thường Lớn

EU và những kỳ vọng về tấm ‘hộ chiếu vaccine’ quyền lực

TGVN. Theo đề xuất của một số nước, trong tương lai, bên cạnh hộ chiếu thông thường, ‘hộ chiếu vaccine’ sẽ là bắt buộc nếu bạn muốn du lịch đến một quốc gia.
Hộ chiếu vaccine. (Nguồn: Sky News)
'Hộ chiếu vaccine' có thể hiểu như giấy chứng nhận đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. (Nguồn: Sky News)

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới tích cực tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra đề xuất công bố một loại “thẻ thông hành Covid-19” hay “hộ chiếu vaccine”, cho phép những người đã tiêm chủng ngừa Covid-19 có thể đi du lịch tự do vào mùa Hè này.

Có thể thấy, nhu cầu về "hộ chiếu vaccine" cho phép công dân châu Âu đi lại trong lãnh thổ của EU đang ngày càng trở nên bức thiết.

Nhu cầu bức thiết

Sau hơn một năm đối phó với virus gây bệnh Covid-19, đến nay hy vọng về viễn cảnh dịch bệnh sớm chấm dứt đang mở ra nhờ những tiến triển của việc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên thực tế là khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa thực sự bị đẩy lùi thì để thực hiện được những hoạt động ở nơi công cộng, con người phải cần một thứ như bằng chứng để chứng minh bản thân an toàn, đó là “hộ chiếu vaccine”, một dạng chứng nhận tiêm phòng vaccine Covid-19 khi đi nước ngoài.

“Hộ chiếu vaccine” có thể hiểu như giấy chứng nhận đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Theo đề xuất của một số nước, trong tương lai, bên cạnh hộ chiếu thông thường, “hộ chiếu vaccine” sẽ là bắt buộc nếu bạn muốn du lịch đến một quốc gia.

Những người ủng hộ cho rằng, cấp giấy chứng nhận quốc tế đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 là cách làm hay để nhanh chóng khôi phục cuộc sống xã hội và hoạt động kinh tế. Những ai đã tiêm ngừa Covid-19 sẽ được tự do đến những nơi hoặc làm những việc mà người chưa được chủng ngừa không được phép.

Đặc biệt, việc Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) ngày 18/3 tuyên bố về tính "an toàn, hiệu quả" của vaccine AstraZeneca, đã giúp xóa tan những nghi ngại trước đó của các nước trong EU về hiện tượng đông máu sau khi tiêm chủng loại vaccine này.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/3 cũng ủng hộ mạnh mẽ việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca và cho biết các chuyên gia về an toàn vaccine của WHO không phát hiện sự gia tăng tình trạng đông máu liên quan đến việc tiêm vaccine AstraZeneca.

Nhờ vậy, từ ngày 19/3, một loạt nước lớn trong EU như Đức, Pháp, Italy… đã ngay lập tức nối lại việc tiêm chủng vaccine của AstraZeneca. Và khi việc tiêm chủng được tiến hành rộng rãi, nhu cầu về "hộ chiếu vaccine" cho phép công dân châu Âu đi lại trong lãnh thổ EU lại càng trở nên bức thiết vì đây được coi là một công cụ tiềm năng cho phép người dân di chuyển tự do trong khu vực.

Trước đó, ngày 17/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một đề xuất liên quan đến việc tạo ra một "chứng chỉ xanh kỹ thuật số" ở cấp độ châu Âu (DGC). Chứng chỉ này được xem như một loại “hộ chiếu vaccine” để tạo điều kiện cho việc di chuyển tự do và an toàn trong nội khối trong đại dịch Covid-19.

Tin liên quan
Bộ Ngoại giao thông tin về khả năng áp dụng hộ chiếu vaccine Covid-19 Bộ Ngoại giao thông tin về khả năng áp dụng hộ chiếu vaccine Covid-19

Theo đó, tấm “chứng chỉ xanh” hay “hộ chiếu vaccine” này sẽ chấp nhận tất cả các vaccine đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) phê duyệt.

Chứng chỉ này sẽ bao gồm các thông tin về tiêm chủng, loại vaccine tiêm chủng, kết quả xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận đã phục hồi sau khi mắc Covid-19.

"Chứng chỉ xanh" có sẵn ở dạng kỹ thuật số và được xác thực bằng mã QR để tránh gian lận và sự phát triển của thị trường chợ đen. Mỗi cơ sở cấp phiếu kết quả xét nghiệm, tiêm chủng đều có chữ ký số riêng. Những dữ liệu được xác thực này sau đó sẽ được mỗi nước thành viên biên soạn và bảo vệ.

Chứng chỉ sẽ có hiệu lực ở tất cả các quốc gia EU và sẽ được mở thêm cho cả Iceland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sỹ. Công dân EU và các thành viên gia đình của họ cũng sẽ nhận được chứng nhận này. Ngoài ra, những công dân không thuộc EU nhưng cư trú trong khối và những du khách có quyền đi đến các quốc gia thành viên khác cũng sẽ được phép đăng ký DGC.

Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, "chứng chỉ xanh" này có thể có hiệu lực vào mùa Hè. Bà Ursula von der Leyen hy vọng rằng, với loại “chứng chỉ xanh” này, EU sẽ giúp các nước thành viên khôi phục tự do đi lại “theo cách an toàn, tin cậy và có trách nhiệm”.

Kỳ vọng cho ngành du lịch toàn cầu

Trước EU, Israel và Trung Quốc đã ban hành loại giấy thông hành đặc biệt này. Dù còn nhiều thận trọng và phải chờ được thông qua, việc EC chính thức đề xuất loại “chứng chỉ xanh kỹ thuật số” được coi là dấu hiệu tích cực cho tương lai của du lịch khu vực và toàn cầu.

Sau khi EC công bố kế hoạch cấp “chứng chỉ xanh kỹ thuật số”, một số nước châu Âu đã bắt đầu chấp nhận loại chứng chỉ trên. Chẳng hạn từ ngày 18/3, Iceland cho biết những người đã được tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 sẽ được phép tới nước này mà không phải trải qua xét nghiệm và cách ly.

Trước đó, Bộ trưởng Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh cho biết, Anh đang xem xét ý tưởng “hộ chiếu vaccine”, cũng như thảo luận cách thức tốt nhất để triển khai một cách công bằng.

Việc triển khai DGC trên toàn EU đang được các quốc gia phụ thuộc vào du lịch như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Croatia háo hức mong đợi. Tây Ban Nha cho biết có thể bắt đầu sử dụng “hộ chiếu vaccine” vào tháng 5 tới, khi hội chợ du lịch quốc tế FITUR được tổ chức ở thủ đô Madrid.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều quốc gia phía Bắc như Đức, Bỉ, Ireland vẫn quan ngại về sự phân biệt đối xử (trong tiếp cận vaccine) và những người đã được chủng ngừa vẫn có thể mang virus gây Covid-19.

Theo các nhà phân tích, mặc dù việc sử dụng “hộ chiếu vaccine” có cảnh báo về bảo đảm công bằng, và đến nay WHO cũng chưa ủng hộ ý tưởng sử dụng "hộ chiếu vaccine" để thúc đẩy hoạt động đi lại, song trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài hơn dự đoán và nhiều nền kinh tế châu Âu đang khó khăn như hiện nay, lựa chọn sử dụng “chứng chỉ xanh” hay “hộ chiếu vaccine” nêu trên của EU vẫn được xem là giải pháp hợp lý.

Mặc dù tấm hộ chiếu vaccine của EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển xuyên biên giới để làm việc và du lịch nhưng những người có hộ chiếu vaccine này vẫn phải tuân thủ các hạn chế về y tế cộng đồng tại nước sở tại.

EC nhấn mạnh: “Nếu một quốc gia thành viên tiếp tục yêu cầu những người có DGC thực hiện cách ly hoặc làm xét nghiệm, quốc gia đó phải thông báo cho Ủy ban và tất cả các quốc gia thành viên khác và giải thích lý do cho các biện pháp đó”.

Để hoàn thiện khuôn khổ kỹ thuật của cơ chế hộ chiếu vaccine vừa được đề xuất, EU xác định cần thời gian là 3 tháng. Nếu muốn DGC có hiệu lực kịp thời vào mùa Hè này, đề xuất trên của EC cần được đẩy nhanh quá trình thông qua ở cả Nghị viện và Hội đồng châu Âu.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen kêu gọi các quốc gia thành viên “áp dụng một khuôn khổ tin cậy và các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được thống nhất trong mạng eHealth, để bảo đảm triển khai kịp thời DGC cũng như khả năng tương tác của chúng và tuân thủ đầy đủ việc bảo vệ dữ liệu cá nhân”.

Phó Chủ tịch EC phụ trách Thúc đẩy Cách sống châu Âu, ông Margaritis Schinas, cũng cho biết hộ chiếu vaccine của EU nên được triển khai từ ngày 17/5 đến ngày 1/6, trước khi mùa du lịch bắt đầu.

Ông Schinas lưu ý, khi nhiều người được tiêm chủng vaccine Covid-19 và được làm xét nghiệm PCR, nhu cầu đi lại sẽ càng mạnh và sẽ có sự bùng nổ đi lại trong mùa Hè. Do đó, EU cần phải chuẩn bị cho điều này.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng, việc áp dụng giấy chứng nhận y tế mới trong ngành du lịch có thể khiến các quốc gia thành viên EU chào đón du khách có chứng nhận tiêm phòng, xét nghiệm âm tính hoặc xét nghiệm kháng thể dương tính, kịp thời cho giai đoạn cao điểm du lịch mùa Hè tới. Điều này sẽ giúp tạo ra một sự thúc đẩy đáng kể và rất cần thiết cho các nền kinh tế và bảo vệ hàng triệu việc làm và sinh kế trong toàn khối EU.

TIN LIÊN QUAN
Covid-19 ở Việt Nam sáng 23/3: Ngày thứ 5 liên tiếp không có ca mắc mới; hơn 36.000 người đã được tiêm chủng
Cập nhật Covid-19 ngày 22/3: Ấn Độ chật vật với làn sóng thứ 2, Campuchia đóng cửa trường học toàn quốc, Anh cảnh cáo EU - 'thế giới đang nhìn'
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã tiêm vaccine phòng Covid-19
Kinh tế châu Á chậm phục hồi vì châu Âu 'quay lưng' với vaccine AstraZeneca
Có bao nhiêu loại vaccine phòng Covid-19?
Liên minh châu Âu cảnh báo cấm hãng dược phẩm AstraZeneca xuất khẩu vaccine Covid-19
Bất chấp số người được tiêm vaccine ở mức kỷ lục, Chile ghi nhận các ca mắc Covid-19 tăng cao

(theo TTXVN)