Trong những tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán và bất động sản trầm lắng, nhà đầu tư tìm đến vàng như một cứu cánh. Các sàn mọc lên như nấm sau mưa, giúp nhà đầu tư có thêm nhiều chọn lựa, hạn chế được rủi ro khi giao dịch chui qua mạng do một số công ty tư nhân mở ra.
Chỉ cần ký quỹ 7% giá trị giao dịch, 93% vốn còn lại được các ngân hàng và sàn hỗ trợ, nhà đầu tư đã có thể giao dịch qua tài khoản. Trong khi mua bán trên thị trường vật chất, họ cần một số vốn tự có nhất định, chưa kể những rủi ro trong khâu giao nhận vận chuyển tiền mặt, và không phải lúc nào các doanh nghiệp cũng có đủ lượng vàng miếng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Việc mở sàn không mấy khó khăn. Theo cán bộ kinh doanh của một sàn vàng tại Hà Nội, với số vốn 2-3 tỷ đồng tùy cơ sở hạ tầng và hệ thống mạng, các ngân hàng, doanh nghiệp và công ty tài chính đã có thể bắt tay nhau mở sàn. Hiện tại, các đơn vị muốn lập sàn chưa phải xin giấy phép một cơ quan, tổ chức nào, miễn là có chức năng kinh doanh vàng.
Mỗi sàn có một quy chế hoạt động riêng, được xây dựng trên sự đồng thuận của tất cả các thành viên sáng lập và căn cứ vào thông lệ quốc tế về giao dịch vàng.
Mặc dù các sàn đua nhau mở ra nhưng nhà đầu tư vẫn không ngớt phàn nàn. Khi thì sự cố sập mạng khiến lệnh không khớp được, khi thì thời gian giao dịch thông báo không rõ ràng, hạn mức rút vàng và tiền mỗi ngày cũng liên tục bị điều chỉnh theo hướng có lợi cho sàn. Giờ đóng cửa sàn trong nước lại là lúc các sàn châu Âu, Mỹ hoạt động sôi nổi nhất.
Cho đến nay, các sàn vàng hoạt động cũng không theo một quy tắc chung nào mà theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Khối lượng giao dịch, thời gian và hạn mức thanh toán tiền hay vàng trong ngày cũng khác nhau và liên tục bị điều chỉnh. Riêng ACB, từ đầu năm đến nay đã phải điều chỉnh các hạn mức từ 20 lượng mỗi ngày xuống còn 10 lượng, rồi 5 lượng, 3 lượng và bây giờ là 1 lượng. Trong khi tại sàn SJC - Hà Nội, hạn mức rút vàng phân loại theo đối tượng khách hàng là tổ chức tối đa là 50 lượng, cá nhân rút ít hơn, với 20 lượng một ngày.
Để hút khách và cạnh tranh với nhau, các sàn đang giảm khối lượng giao dịch và kéo dài thời gian. Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, hiện lượng vàng tối thiểu mà ACB quy định mỗi lần giao dịch là 50 lượng có thể đưa lại lợi nhuận cao nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro hơn, thua lỗ tối thiểu cũng tới vài chục triệu.
Trong khi sàn phố Wall có lượng giao dịch tối thiểu chỉ là 5 lượng cho mỗi lệnh. Trường hợp giá vàng giảm sâu, lượng vàng mua vào trước đó không nhiều, nhà đầu tư chưa kịp đóng trạng thái hoặc hủy lệnh thì thua lỗ ít hơn.
Phần lớn các sàn khác quy định nhà đầu tư đặt lệnh tối thiểu mỗi lần là 10 lượng, phí giao dịch phổ biến là 2.000 đồng một lượng.
Thời gian giao dịch cũng được các sàn kéo dài hơn. Cụ thể, từ 15/9, ACB kéo dài phiên 2 đến 20h, dự kiến trong tháng 10, sẽ kéo dài tới 23h. Nhà đầu tư trên sàn SJC - Hà Nội, sàn VGB của Công ty cổ phần kinh doanh vàng Việt Nam được mua - bán đến 19h.
Phía sau mỗi sàn thường là một ngân hàng thương mại nhận trách nhiệm lưu ký, hỗ trợ vốn, đảm bảo khâu thanh toán, trả lãi…cho nhà đầu tư. Một nhà đầu tư trên sàn ACB nhận định: "Khâu thanh toán phụ thuộc vào một ngân hàng, điều đó có thể dẫn tới sự hạn chế trong khả năng thanh toán, liên quan đến tính thanh khoản và năng lực của ngân hàng đó".
Những người có kinh nghiệm chơi vàng mong rằng nếu có cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ, tức là có thêm sự tham gia hoặc thay thế của ngân hàng khác, khó khăn đó sẽ được giải quyết và quyền lợi nhà đầu tư có thể không bị đụng chạm.Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Công ty đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam nhận định trong các sự cố, các vấn đề liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư, sàn giao dịch vàng cần có sự độc lập giữa nhà tổ chức và nhà cung cấp dịch vụ, đặc biệt là mối quan hệ giữa ngân hàng thanh toán và đơn vị tổ chức giao dịch. Theo đó, đầu mối trách nhiệm và việc xử lý sẽ cụ thể và minh bạch hơn.Một số trường hợp, đơn vị tổ chức sàn cũng đồng thời là ngân hàng thanh toán và đơn vị có chức năng kinh doanh vàng. Không ít nhà đầu tư lo ngại cơ cấu tổ chức này có thể dẫn tới tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, theo hướng có lợi cho sàn, bất lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh, ngày 12/9, một báo cáo cụ thể về tình hình hoạt động và xây dựng quy chế cho các sàn đã được chuyển đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và dự kiến đầu tuần tới sẽ được trình lên Thủ tướng.
Trong tháng 5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo lập một tổ công tác liên ngành khảo sát và xúc tiến xây dựng quy chế cho sàn giao dịch vàng.Theo ông Khánh, cần có quy định khắt khe đối với việc lập sàn, như phải đủ điều kiện về vốn tối thiểu, đạt tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, trình độ quản lý và đội ngũ nhân lực. Quy chế sắp xây dựng sẽ chú ý về hạn mức rút vàng, thời gian giao dịch, tỷ lệ ký quỹ, số vốn vay...Công ty hoặc ngân hàng nào không đáp ứng những điều kiện, quy chế mới, sẽ không được cấp giấy phép.
Thay vì có thể chơi ở nhiều sàn một lúc như hiện nay, theo quy chế mới, nhà đầu tư chỉ được tham gia giao dịch qua tài khoản mở tại một sàn. "Quy chế sẽ được xây dựng theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn và tùy thuộc cả vào Ngân hàng Nhà nước và ý kiến Thủ tướng", ông Khánh nói thêm.
Đại diện một sàn vàng trên phố Đào Duy Anh nhận định thời gian tới số các sàn sẽ không ra đời một cách cấp tập như hiện nay do phải tuân theo những quy định khắt khe hơn. Vị giám đốc này mong muốn các sàn có sự thống nhất và liên thông với nhau.
Ông Khánh cũng cho hay Hiệp hội có kế hoạch mở lớp đào tạo về kinh doanh và đầu tư vàng. Nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo trước những chiêu mới của các sàn khi giao dịch theo các hợp đồng tương lai - cách mà trên sàn thế giới vẫn làm. "Để hiểu được phương thức giao dịch với các hợp đồng này, người chơi phải học ít nhất một tháng, mà chưa chắc đã thành thạo", ông nói.Theo VNE