Nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại sau khi số liệu thống kê cho thấy sự suy giảm trong khối ngành sản xuất và dịch vụ. (Nguồn: AP) |
Đáng lo ngại, lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đang tụt lại so với các ngành khác trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới bùng phát gần đây cũng khiến nhiều người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Các chuyên gia kinh tế đã hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi hai lĩnh vực chủ chốt là sản xuất và dịch vụ có tốc độ chậm lại.
Ngân hàng Morgan Stanley và Công ty Dịch vụ tài chính Barclays đã hạ dự báo về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 của Trung Quốc xuống dưới 9%, do giá nguyên liệu thô cao tác động đến ngành sản xuất và sức tiêu thụ yếu hơn dự kiến.
Tin liên quan |
Xu hướng sản xuất tại chỗ lên ngôi, Trung Quốc hết thời là 'công xưởng thế giới' |
Hôm 30/6, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm nhẹ xuống 50,9 trong tháng 6, từ mức 51,0 trong tháng 5. Con số này cao hơn mức dự báo trung bình 50,7 mà các nhà kinh tế đưa ra trước đó nhưng lại là mức thấp nhất trong 4 tháng đầu năm 2021.
Cũng theo NBS, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn, than và điện gần đây đã kìm hãm sản lượng tại nhiều nhà máy.
Trung Quốc hiện có mặt trong toàn bộ chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu chip đã ảnh hưởng đáng kể đến các nhà sản xuất ô tô của nước này những tháng qua.
Chưa kể, các chỉ số phụ đo lường các ngành công nghiệp dầu mỏ, than đá và kim loại cũng suy yếu, ảnh hưởng đến tổng nhu cầu.
Thời gian qua, việc nhiều ca mắc mới Covid-19 xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông, một trong những thành trì kinh tế và xuất khẩu của Trung Quốc, đã làm gia tăng thêm căng thẳng cho các nhà sản xuất.
Từ cuối tháng 5/2021, các hoạt động tại cảng Yantian của Thâm Quyến, một trong những cảng bận rộn nhất thế giới, đã bị cắt giảm tới 30% công suất và mới chỉ bắt đầu phục hồi trong những ngày gần đây.
Trong khi đó, chỉ số các đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm sâu xuống 48,1 trong tháng 6 từ 48,3, báo hiệu nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc đang suy yếu.
Chỉ số PMI phi sản xuất chính thức của Trung Quốc, bao gồm các thước đo dịch vụ và hoạt động xây dựng, đã giảm trong tháng 6 xuống 53,5 từ mức 55,2 vào tháng 5.
Bên cạnh đó, việc các đơn đặt hàng mới mà các nhà cung cấp dịch vụ nhận được đã giảm xuống 49,5 trong tháng 6 so với 52,0 trong tháng 5, phản ánh nhu cầu thị trường hạ nhiệt nhanh chóng. Các chỉ mục theo dõi vận chuyển hàng không, dịch vụ ăn uống và lưu trú cũng có dấu hiệu giảm.
Là nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc được hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa, giúp lĩnh vực xuất khẩu của nước này liên tục tăng trưởng ấn tượng.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: "Các nhà kinh tế đều nhận thấy xu hướng đang thay đổi khi việc dỡ bỏ các hạn chế để phòng dịch ở các nước phương Tây đã thúc đẩy sự thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng giàu có, hạn chế mua các mặt hàng có giá trị lớn và hướng tới các dịch vụ giao hàng tận nơi".
Chuyên gia Eckardt cho rằng, quá trình thay đổi này có thể khiến đóng góp của xuất khẩu ròng vào tăng trưởng chung của Trung Quốc suy yếu.
WB dự báo, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc, bao gồm ngoại thương hàng hóa và dịch vụ, sẽ giảm xuống khoảng 1,4% GDP trong năm nay, từ mức 1,9% của năm 2020.
Khi xuất khẩu chậm lại, ông Eckardt kỳ vọng "tăng trưởng nhập khẩu sẽ phục hồi ở Trung Quốc nhờ nhu cầu trong nước được ổn định”.
Các nhà lãnh đạo quốc gia châu Á cũng kêu gọi chuyển hướng nhiều hơn sang tiêu dùng nội địa.
Với những dữ liệu kinh tế được công bố hôm 30/6, các chuyên gia nhận định, có nhiều lý do để kinh tế Trung Quốc thận trọng hơn là lạc quan.