Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động trao đổi học thuật giữa giới nghiên cứu hai nước về Sáng kiến Vành đai - Con đường, qua đó tìm kiếm những cơ hội hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến nói riêng, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung nói chung.
Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
Hội thảo có sự tham dự của hơn 80 đại biểu đến từ các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan nghiên cứu, các nhà ngoại giao lão thành và đại diện doanh nghiệp hai nước, cùng với hơn 30 cơ quan thông tấn báo chí của Việt Nam và Trung Quốc.
Trong phát biểu chỉ đạo Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động hợp tác, liên kết kinh tế trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai - Con đường vì mục đích hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung cho các quốc gia trên nguyên tắc dựa vào luật pháp quốc tế, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi.
Thay mặt Ban Tổ chức, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, nêu rõ mục đích của Hội thảo năm nay là dịp để các học giả và quan chức hai nước chia sẻ các đánh giá về 5 năm đầu triển khai Sáng kiến Vành đai - Con đường và đưa ra những kiến nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới.
Cũng tại phiên khai mạc, tân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHND Trung Hoa Hùng Ba nhấn mạnh vai trò định hướng chiến lược của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đối với quan hệ Việt - Trung nói chung, cũng như đối với sự phối hợp giữa hai sáng kiến “Vành đai - Con đường” và “Hai hành lang - Một vành đai” nói riêng.
Trong khi đó, ông Hồ Chính Dược, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngoại giao công chúng, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, nêu lên những ưu thế mà ASEAN và Trung Quốc có được trong việc thúc đẩy hợp tác thông qua sáng kiến Vành đai - Con đường, đó là sự gắn kết về thể chế, địa - chính trị, thị trường, văn hóa tương đồng, giao lưu nhân dân và quan hệ chính trị tốt đẹp giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Ông Hồ Chính Dược cũng khẳng định vai trò quan trọng của các nước Đông Nam Á trong việc hiện thực hóa sáng kiến Vành đai - Con đường, theo đó 10 quốc gia ASEAN đều là thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), với thị trường quy mô lớn gần 2 tỷ người, kim ngạch thương mại ASEAN - Trung Quốc hàng năm đạt trung bình 500 tỷ USD, đầu tư song phương khoảng 200 tỷ USD.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Qua các phiên thảo luận, diễn giả và đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá về những kết quả đạt được sau 5 năm đầu thực hiện Sáng kiến Vành đai - Con đường. Các đại biểu Trung Quốc nêu rõ những thành tựu ban đầu của Vành đai - Con đường với nhiều dự án kết nối được triển khai tại châu Âu, châu Phi, Nam Á, tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, cũng như giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc và các nước.
Các học giả hai nước cũng đề cập tới những tồn tại và tác động không thuận trong thực tiễn triển khai sáng kiến này, như thâm hụt thương mại, ảnh hưởng về môi trường, xã hội của các dự án cơ sở hạ tầng, vấn đề nợ công. Đặc biệt, các diễn giả và đại biểu tham gia Hội thảo lưu ý về những lo ngại của người dân các nước sở tại về các dự án phát triển cơ sở hạ tầng thuộc Vành đai - Con đường.
Bên cạnh đó, tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cũng là một lực cản đáng kể đối với việc tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước và hạn chế hợp tác thực hiện sáng kiến này. Các ý kiến tại Hội thảo nhìn chung đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc hiểu đúng về cơ hội và thách thức của sáng kiến Vành đai - Con đường, việc xây dựng lòng tin và tầm nhìn dài hạn để kiến tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung và triển khai hợp tác trong khuôn khổ Vành đai - Con đường nói riêng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều hoan nghênh Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội tiếp tục tổ chức các diễn đàn trao đổi về sáng kiến này trong tương lai.