📞

Sao thể thao Việt lên CNN

15:24 | 05/03/2015
Vận động viên wushu Dương Thúy Vi có dáng người nhỏ nhắn, mỏng manh, nhưng ẩn sau đó là một tài năng võ thuật. Mới 21 tuổi, cô gái xinh đẹp người Hà Đông này đã là nhà vô địch quốc gia, Đông Nam Á, châu Á và thế giới.
Thúy Vi trên CNN.

Có một điều kỳ lạ là wushu Việt Nam vốn sản sinh ra không ít nhà vô địch thế giới, song lại chưa bao giờ lên ngôi ở nội dung quyền biểu diễn và tán thủ tại Á vận hội. Cho đến ASIAD 17 ở Incheon (Hàn Quốc), lịch sử mới sang trang nhờ kỳ tích của Thúy Vi.

“Con chỉ thích nghề đánh đấm này thôi”

Thúy Vi chia sẻ rằng cô sớm bị hút hồn từ những đường quyền làm mê mẩn từ năm ba tuổi. Vi đã bắt chước động tác tập Thiếu lâm của bố là ông Dương Văn Thắng, người đã luyện tập thiếu lâm từ khi còn trẻ.

Hồi Vi tám tuổi, một lần thầy giáo đến dạy wushu cho người anh họ tại nhà, thấy Vi có tố chất, liền cho cô bé một bài kiểm tra nho nhỏ: chụm hai chân rồi nhảy xa vài lần. Thế là Vi nhảy, lần thì được 1,4m, lần được 1,5m.

Vi có một người họ hàng vì quá mập nên phải đi tập wushu để giảm cân và Vi được “phân công” đi tập cùng để làm người giám sát. Người em họ đó chỉ tập được một tuần thì nghỉ vì không đủ kiên trì, còn Thúy Vi lại “nhiễm” tình yêu với môn võ này.

Gia đình và bạn bè đều thừa nhận nữ võ sĩ sinh năm 1993 có cá tính mạnh mẽ, cứng cỏi từ tấm bé. Năm 2008, bị chấn thương dây chằng khá nặng, đầu gối đi cứ lạch cạch, nhưng Vi không chịu bỏ, vẫn “ngoan cố” theo môn wushu. Vi có câu nói nổi tiếng với mẹ là: “Con chỉ thích nghề đánh đấm này thôi”.

Từ đó, cô bé có biệt danh Vi “tỏi” (hay có kiểu búi tóc củ tỏi) kiên trì tập luyện để rồi liên tiếp gặt hái huy chương. “Để thành công, Vi phải trải qua quá trình khổ luyện, cả sáng và chiều, sáu ngày trong tuần, thậm chí có thời điểm còn kéo dài hơn. Trước mỗi giải đấu, Vi tập cả ngày Chủ nhật, gồm cả thể lực và kỹ thuật.

Wushu là môn rất khó, người tập luôn phải kiên nhẫn để tìm cách phối hợp ăn ý giữa chuyển động của cái đầu, cánh tay và đôi chân… Điều quan trọng nhất khi tập wushu là các hoạt động của cơ thể phải được thực hiện một cách thống nhất và uyển chuyển”, Thúy Vi chia sẻ.

Vận động viên có bộ huy chương đồ sộ

Sau nhiều năm chờ đợi, đoàn thể thao Việt Nam cuối cùng cũng có chiếc HCV đầu tiên ở ASIAD 17 sau màn trình diễn chói sáng của “cô gái vàng” môn wushu Thúy Vi. Cô gái trẻ từng giành rất nhiều huy chương ở các giải Đông Nam Á, giải trẻ châu Á, trẻ thế giới, Đại hội thể thao châu Á trong nhà… Tuy nhiên, tấm HCV tại đấu trường Á vận hội 2014 vừa qua mới là thành tích đáng nể trong sự nghiệp của Vi.

Năm 2013, cô gái họ Dương là VĐV giành tấm HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 27 tại Maynmar, đồng thời lên ngôi vô địch thế giới. Tháng 9/ 2014, Vi là vận động viên duy nhất của đoàn Việt Nam giành HCV tại ASIAD 17 trên đất Hàn Quốc.

Chính nhờ thành tích chói sáng như vậy, Thúy Vi đã trở thành vận động viên đầu tiên của Việt Nam được lên báo CNN (Mỹ). “Từ người thường đến người hùng” là chương trình đặc biệt của CNN, với loạt bài viết về những nhân vật thể thao nổi tiếng trên thế giới.

Trong bài viết về Thúy Vi có đoạn: “Cô là một trong những ngôi sao của wushu Việt Nam. Vận động viên 21 tuổi này đã giành HCV cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 2013 và lên ngôi vô địch tại ASIAD ở Hàn Quốc”.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên CNN, Thúy Vi đã chia sẻ về cơ duyên đến với wushu, thành tích và những giấc mơ của cô. Vi cho biết trong sự nghiệp thi đấu của mình, hạnh phúc nhất với cô là khoảnh khắc nhận HCV tại ASIAD 2014. Sau gần mười năm, wushu Việt Nam mới có một vận động viên gặt vàng ở Á vận hội. Trong năm nay, mục tiêu của Thúy Vi là bảo vệ ngôi vô địch tại SEA Games 28 tại Singapore và giải vô địch thế giới diễn ra vào tháng 10.

Trong bộ sưu tập đồ sộ của mình, Thúy Vi đã có được gần 60 huy chương các loại. Trong đó đáng kể nhất vẫn là HCV Á vận hội, HCV giải trẻ thế giới, HCV giải trẻ châu Á, HCV Asian Indoor Games, HCV Liên hoan võ thuật truyền thống thế giới, HCV Đại hội toàn quốc.

XUÂN HỒNG