📞

Sau lùm xùm lính đánh thuê Nga, Pháp nói Mali 'tự quản lý đất nước, chúng tôi không làm thay', Bamako phản ứng

Việt Hà 07:21 | 06/10/2021
Ngày 5/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi chính quyền quân sự Mali khôi phục quyền lực nhà nước tại vùng lãnh thổ đã và đang bị bỏ ngỏ trước tình trạng nổi loạn thánh chiến.
Tổng thống Pháp kêu gọi chính quyền quân sự Mali hành động để 'lấp đầy khoảng trống' cho 'tình trạng bất động'. (Nguồn: AFP)

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh France Inter, ông Macron nêu rõ: “Theo tôi, vai trò của quân đội Pháp không phải là lấp đầy khoảng trống cho ‘tình trạng bất động’, nếu tôi có thể mô tả, của đất nước Mali. Chúng tôi không thể yêu cầu những người lính của chúng tôi làm thay công việc của đất nước các ngài”.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Nhà nước phải quay trở lại, đưa công lý, giáo dục và cảnh sát quay lại mọi nơi”.

Phản ứng với bình luận trên, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mali đã triệu Đại sứ Pháp đến để bày tỏ “sự giận dữ và phản đối” của chính phủ quốc gia châu Phi.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mali nêu rõ: “Ngoại trưởng đã kêu gọi nhà chức trách Pháp thể hiện sự kiềm chế, tránh đưa ra những đánh giá mang tính chủ quan”.

Ngoài ra, Bamako cũng mong muốn Paris thể hiện “cách tiếp cận mang tính xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”.

Pháp đã triển khai hàng nghìn quân đến khu vực Sahel trong suốt 8 năm qua để hỗ trợ các cựu thuộc địa đối phó với tình trạng nổi loạn thánh chiến tàn bạo.

Tại Mali, hàng nghìn người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác phải rời bỏ nhà cửa, trong khi phần lớn các khu vực của đất nước chỉ chứng kiến sự hiện diện hết sức hạn chế hoặc không có sự hiện diện của chính quyền.

Căng thẳng giữa Pháp và Mali nổ ra sau khi có thông tin Bamako tiến hành đàm phán với công ty an ninh tư nhân Nga Wagner để thuê 1.000 lính đánh thuê huấn luyện quân đội và bảo vệ các lãnh đạo cấp cao, trong bối cảnh Paris quyết định rút lực lượng khỏi chiến dịch Barkhane chống lại các nhóm Hồi giáo ở khu vực Sahel.

Pháp cảnh báo Mali về thỏa thuận trên, cho rằng, rất đáng lo ngại nếu chính quyền quân sự của quốc gia Tây Phi đón lính đánh thuê Nga, vì nó đi ngược lại những gì Paris đã triển khai những năm qua và dự định hỗ trợ cho Bamako.

(theo AFP)