Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet. (Nguồn: Anews) |
UNHRC đã thông qua nghị quyết trên trong một phiên họp khẩn cấp mà không cần bỏ phiếu. Vị chuyên gia mới được ủy quyền giám sát tình hình nhân quyền tại Sudan và báo cáo với UNHRC trong một phiên họp vào giữa năm 2022.
Phát biểu tại UNHRC, miêu tả vụ tiếm quyền quân sự hôm 25/10 là "vô cùng quan ngại", Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet kêu gọi các lực lượng vũ trang cũng như quân cảnh và các nhân tố tình báo chấm dứt sử dụng vũ lực đẫm máu, vốn khiến ít nhất 13 dân thường thiệt mạng.
Bà Bachelet nêu rõ: "Tôi hối thúc các lãnh đạo quân đội Sudan và những người ủng hộ họ lùi bước để cho phép đất nước quay trở lại con đường tiến bộ, hướng tới những cải cách hiến pháp và pháp lý".
Cùng ngày, Ngoại trưởng bị phế truất của Sudan Mariam al-Mahdi đã kêu gọi đưa giới lãnh đạo quân sự tham gia cuộc đảo chính hồi tháng 10 ra xét xử trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Trong bài phát biểu trước UNHRC, bà Mahdi nhấn mạnh: “Những vụ đảo chính đều là những trường hợp phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của ICC”.
Nhà ngoại giao này đã viện dẫn Điều 8 Quy chế Rome của ICC để củng cố cho lập luận tội phạm hóa vụ đảo chính là “tội ác chiến tranh”.
Trong khi đó, Tổng Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Sudan, Tướng Abdel-Fattah Burhan, người nắm quyền điều hành sau cuộc đảo chính quân sự ở nước này, đã ra quyết định trả tự do 4 bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Abdalla Hamdok bị bắt giữ hôm 25/10.
Truyền hình Sudan đưa tin, các quan chức được trả tự do gồm Bộ trưởng Truyền thông Hashim Hasabal-Rasoul, Bộ trưởng Giao thông vận tải Ali Jiddo, Bộ trưởng Thanh niên và thể thao Yousif Adam và Bộ trưởng Thông tin Hamza Balol.