📞

Saudi Arabia hậu dầu lửa

10:00 | 15/05/2016
Khó xoay chuyển giá dầu, Saudi Arabia lên kế hoạch đại tu nền kinh tế chuẩn bị cho “thời hậu dầu lửa”.

Những phản ứng nhất thời gần đây của thị trường dầu mỏ chỉ có thể làm giá dầu “neo đậu” lên vị trí cao hơn được vài phiên rồi lại nhanh chóng tuột mất. Thị trường dầu mỏ vẫn điêu đứng với tình trạng cung vượt cầu và để tái cân bằng thị trường chỉ có thể cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, vì lợi ích riêng, cũng như không bên nào chịu kém “miếng”, không chỉ các nước sản xuất dầu mỏ ngoài Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), mà ngay cả các nước thuộc OPEC cũng từ chối cắt giảm sản lượng.

Thêm nữa, mục tiêu đóng băng sản lượng bằng với hồi tháng 1/2016 như mục tiêu đề ra bị coi là không thể thúc đẩy tiến trình tái cân bằng cung cầu. Bởi tại thời điểm được lựa chọn đóng băng sản lượng, rất nhiều nước sản xuất dầu gần như đã đạt đỉnh.

Dù giới chuyên gia dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng trở lại trung bình 1,4%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, nhưng tương lai bấp bênh của giá dầu không còn là nơi tin cậy để neo cột nền kinh tế vào đó.

Đại tu nền kinh tế

Đó là lý do mà Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất toàn cầu, với ngân sách tài chính phụ thuộc hầu hết vào nguồn thu từ dầu mỏ đã quyết định bắt đầu đại tu nền kinh tế. Để đối phó với tỷ lệ thất nghiệp lớn nhất thế giới, 11,6%, tốc độ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 6 năm và thâm hụt tài chính cao nhất trong lịch sử - gần 100 tỷ USD, một giải pháp ngắn hạn và một kế hoạch dài hạn có tầm nhìn đến năm 2030, đã được Hoàng tử-Phó Vương Mohammed bin Salman đưa ra. Nếu được thực hiện, đây rất có thể là cuộc cách mạng lớn làm thay đổi hoàn toàn Saudi Arabia. 

Trước mắt, Saudi Arabia đã lên kế hoạch thành lập một quỹ đầu tư công (PIF) trị giá ít nhất 2.000 tỉ USD và một trong những sách lược huy động vốn là bán cổ phần của Công ty Dầu khí lớn nhất thế giới Saudi Aramco. Công ty này có trị giá hàng nghìn tỷ USD, khai thác dầu nhiều hơn tổng lượng dầu nước Mỹ khai thác (khoảng 10,2 triệu thùng/ngày), cung cấp 9/10 thu nhập của Chính phủ.

Theo tính toán của Phó Vương Mohammed, tiền thu về sẽ được sử dụng để phát triển các dự án ở trong, ngoài nước, biến hiệu quả đầu tư trở thành thu nhập chủ yếu của chính phủ chứ không phải là từ dầu mỏ nữa.

Phó Vương Mohammed bin Salman khẳng định cải cách ở Saudi Arabia không là giấc mơ. (Nguồn: AFP)

Theo đó, công nghiệp quốc phòng và năng lượng tái tạo sẽ được ưu tiên phát triển. Ngoài ra, từ cuối năm 2015, Riyadh cũng bắt đầu nâng giá xăng dầu, phí dịch vụ công cộng và xem xét điều chỉnh trợ cấp, đánh thuế giá trị gia tăng, áp thuế đối với các mặt hàng xa xỉ phẩm, đồ uống nhẹ và cả năng lượng.

Saudi Arabia cũng tính tới việc học tập Mỹ, xây dựng hệ thống “thẻ xanh” đối với lao động nước ngoài. Dự kiến, kế hoạch này mỗi năm sẽ mang về thêm 10 tỷ USD cho Saudi Arabia.

Ngày 7/5, Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Al Saud đã chính thức ký một loạt sắc lệnh cải tổ nội các nhằm cơ cấu lại một số bộ và cơ quan chính phủ. Tuyên bố của Tòa án hoàng gia cho thấy rõ, động thái này nhằm bổ nhiệm và đưa vào cơ cấu những gương mặt mới để có thể thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ nhằm đem lại tương lai thịnh vượng và bền vững cho Saudi Arabia.

Riyadh đồng thời khẳng định sự cần thiết thực hiện các biện pháp để khởi động Kế hoạch đầy tham vọng “Tầm nhìn Saudi Arabia 2030” - cải tổ triệt để nền kinh tế, loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Phó Vương Mohammed bin Salman.

Kỳ vọng từ Hoàng tử trẻ

Nếu cần xác nhận lại xem Phó Vương Muhammed bin Salman của Saudi Arabia có phải là một người nóng vội hay không, thì lời giải đáp cho câu hỏi đó đã có vào ngày 25/4, khi ông đưa ra hàng loạt cam kết về việc chấm dứt hoàn toàn phụ thuộc vào dầu mỏ trước năm 2030 và vượt qua tình trạng phụ thuộc vào năm 2020. Ông là người đại diện cho thế hệ mới của hoàng tộc Saudi Arabia, được đánh giá là có quan điểm khác xa truyền thống và đối lập với hình ảnh của một vị lãnh đạo Ảrập thường thấy.

Báo chí Saudi Arabia cho biết, người dân và đặc biệt là phụ nữ nước này đang nóng lòng chờ những kế hoạch của vị Phó Vương trẻ tuổi thành hiện thực. Bởi hệ quả của những dự án đó là tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ và những ngành công nghiệp phi dầu mỏ năng động như khai khoáng và vũ khí quân sự… Cùng với đó là lời hứa hẹn phụ nữ sẽ được phép lái xe, tất cả phụ nữ đều có việc làm.

Tất nhiên, những tuyên bố trên chưa được thực hiện nhưng về tín nhiệm chính phủ, Phó Vương Muhammed không còn đường lui. Giới phân tích cho rằng, những cải cách mạnh tay có thể sẽ vấp phải phản đối, tuy nhiên, trong bối cảnh ảm đạm của dầu mỏ, Riyadh khó có lựa chọn nào khác.

Trên kênh truyền hình Al Arabiya, Phó Vương từng khẳng định chính nguồn dầu mỏ khổng lồ của vương quốc này đang kìm hãm họ do tâm lý ỷ lại. Ông đang quyết tâm thay đổi điều đó.

Hiện sức trẻ và sự quyết đoán của vị Phó Vương 30 tuổi có vẻ đang được giới trẻ ủng hộ, đồng thời, ông cũng giành được nhiều ưu ái hơn từ giới truyền thông. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu táo bạo trên, Saudi Arabia cần phải mở rộng cửa cho hoạt động thương mại, đầu tư, chào đón du khách nước ngoài, thay đổi luật pháp và tăng cường tính minh bạch.

Đặc biệt, thay đổi khó khăn nhất có lẽ là vượt qua sự trì trệ của một xã hội mà người dân luôn thờ ơ với việc “cai nghiện dầu”, chỉ biết trông chờ vào dầu mỏ. Đó là những rào cản cả hữu hình và vô hình mà không chỉ Phó Vương Mohammed phải vượt qua, trong khi hiện tại, dù giá thấp, dầu vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Trong bài phân tích về “Tầm nhìn Saudi Arabia 2030”, tờ The Economist cũng đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: làm cách nào để doanh thu ngoài dầu mỏ của Saudi Arabia tăng gấp 6 lần từ 43,5 tỉ USD ở thời điểm hiện tại lên gần 267 tỉ USD trước năm 2030? Doanh nghiệp nhà nước nào sẽ được cổ phần hóa để nâng mức đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân từ 40% lên 65% trước năm 2030? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu giá dầu giảm xuống dưới 30 USD/thùng, mức giá mà Phó Vương Muhammed dự đoán khi lên kế hoạch cải cách?...

Dự kiến, Phó Vương Muhammed sẽ tiết lộ Kế hoạch cải tổ quốc gia chi tiết vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu. Phó Vương khẳng định: “Đây không phải là một giấc mơ. Đây là thực tế mà Saudi Arabia sẽ có được nếu Đấng tối cao phù hộ”.

Tuy nhiên, một nhà bình luận  Saudi Arabia từng ví von rằng, việc cải cách của nước này giống như “khi một người cha bảo cậu con trai 40 tuổi của mình phải ra ngoài và kiếm việc”, không phải là không thể, nhưng thực sự sẽ vô cùng khó khăn.