Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư giữa SCIC và Cơ quan đầu tư chính phủ Qatar (QIA) |
Cổ đông năng động của doanh nghiệp
“Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vào tổ chức kinh tế được thực hiện thông qua Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước”. (Điều 68, Luật Đầu tư năm 2005)
“Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước là tổng công ty được thành lập để thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên chuyển đổi từ các công ty nhà nước độc lập và các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên do mình thành lập; thực hiện chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp đã chuyển đổi sở hữu hoặc hình thức pháp lý từ các công ty nhà nước độc lập”. (Khoản 3, Điều 47, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003)
“Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận, đầu tư và kinh doanh vốn có hiệu quả; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước”. (Điều 7, Quyết định 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ)
Mục tiêu của SCIC khi thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là nâng cao hiệu quả phần vốn được nhà nước giao.
Tính đến 31/12/2008, tổng số doanh nghiệp thuộc danh mục đầu tư của SCIC là 809 doanh nghiệp, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Trong số các doanh nghiệp thuộc danh mục đầu tư của Tổng công ty, có nhiều doanh nghiệp có lợi thế và tiềm năng phát triển, được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng, du lịch, hàng không, thủy sản, nhựa, dược…
Với tư cách là cổ đông năng động, SCIC một mặt tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả kinh doanh, mặt khác giúp doanh nghiệp có các đối tác chiến lược, thực hiện tái cơ cấu thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Chỉ trong 2 năm đầu hoạt động, SCIC đã thực hiện thành công nhiều đề án tái cơ cấu doanh nghiệp như bán cổ phần của Pacific Airlines (nay là Jetstar Pacific) cho đối tác chiến lược Qantas Airways (30%); bán cổ phần của Bảo Minh cho đối tác AXA (16,6%), bán cổ phần chiến lược của Vinare cho Swissre…
Đầu tư các dự án chiến lược
Khi thực hiện các dự án đầu tư mới, SCIC đóng vai trò là nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu tập trung vào các dự án quan trọng, có ý nghĩa đối với nền kinh tế và có hiệu quả. Hiện nay, SCIC đã và đang triển khai đầu tư vào các dự án lớn trong lĩnh vực điện, cảng biển, sân bay, khu tài chính – thương mại tại hai đô thị lớn của Việt Nam là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong các dự án này, SCIC chủ trương tham gia với tư cách là nhà đầu tư tài chính, sẵn sàng kết hợp với các nhà đầu tư chuyên ngành để khai thác tối đa thế mạnh của các bên.
Cơ hội hợp tác với SCIC - Thực tế và tiềm năng
Thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao, từ khi đi vào hoạt động, SCIC đã chú trọng và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư, các đối tác trong và ngoài nước. Tính đến nay SCIC đã có quan hệ hợp tác với nhiều đối tác là các tổ chức có mô hình tương tự SCIC như Temasek Singapore, Khazanah Malaysia; các tổ chức quốc tế như WB, IMF, IFC; các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ quốc tế...
Đặc biệt, tại khu vực Trung Đông, SCIC đã phát triển quan hệ hợp tác với một số quỹ đầu tư nhà nước như: Quỹ Dự trữ Quốc gia Oman (State General Reserve Fund, SGRF), Quỹ Đầu tư Oman (Oman Investment Fund, OIF), Cơ quan đầu tư chính phủ Qatar (QIA), Cơ quan đầu tư chính phủ Kuwait (KIA) …
Theo Ông Trần Văn Tá, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc SCIC, các hình thức hợp tác mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể kết hợp với SCIC là: đầu tư mua cổ phần hoặc hợp tác thực hiện các đề án tái cơ cấu, trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp thuộc danh mục đầu tư của SCIC; hợp tác với SCIC thành lập các doanh nghiệp, liên doanh mới; tham gia đầu tư với SCIC vào các dự án cụ thể...
Cũng theo ông Tá, định hướng của SCIC là trở thành tập đoàn đầu tư tài chính chiến lược của Chính phủ Việt Nam với việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế về đầu tư và quản trị doanh nghiệp. “Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng được cải thiện. Thị trường Việt Nam vẫn được xem là một trong các thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng GDP luôn được dự báo ở mức cao nhất thế giới trong những năm tới. Vì vậy, chúng tôi tin là mặc dù nền kinh tế thế giới nói chung đang trong giai đoạn khó khăn nhưng cơ hội đầu tư tại Việt Nam là rất tốt. SCIC luôn sẵn sàng hợp tác với cộng đồng các nhà đầu tư, các đối tác trong nước và quốc tế nhằm khai thác những cơ hội đó tại Việt Nam”, ông Tá nói.
Một số dư án đầu tư mới đang triển khai của SCIC * Cảng hàng không quốc tế Long Thành (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai) * Tháp Tài chính (TP.Hà Nội). * Khu phức hợp Thủ Thiêm (TP.Hồ Chí Minh) * Dự án Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai) * Dự án Cầu Vàm Thuật (TP. Hồ Chí Minh) |