📞

SCS – Cơ quan tình báo đặc biệt của Mỹ

15:34 | 19/04/2012
Quốc hội Mỹ sắp thảo dự luật tái cho phép áp dụng Đạo luật giám sát thông tin tình báo nước ngoài (FISA) - khung pháp lý cho hoạt động tình báo trong nước chống lại nguy cơ từ bên ngoài. Và trong khi FISA không ảnh hưởng hoạt động gián điệp ở nước ngoài, mọi chú ý sẽ tập trung vào Cơ quan an ninh Quốc gia (NSA) và năng lực đang lên và gây ngạc nhiên của cơ quan này.
Ảnh minh hoạ

NSA, cơ quan thu thập các tin tức tình báo được cho lớn nhất thuộc chính phủ Hoa Kỳ từng gây nhiều chỉ trích năm 2005 vì chương trình nghe lén và phá mã không được phép cũng như những biện pháp phức tạp gây tranh cãi được NSA sử dụng để thâm nhập mạng lưới viễn thông toàn cầu. Và một trong những biện pháp “phức tạp” đó là một chương trình hợp tác bí mật giữa NSA và Cục Tình báo Trung ương (CIA) có mật mã F6, hay Cơ quan Thu thập Đặc biệt (SCS).

Các thành viên của SCS làm nhiệm vụ cấy những con rệp công nghệ siêu hiện đại vào những vị trí tưởng như khó tiếp cận. Dữ liệu thu được sẽ được chuyển cho NSA để phân tích và giải mã. John Pice thuộc Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ đã nhận xét khá chính xác: “NSA khiến bạn nghĩ đến vệ tinh. CIA khiến bạn nghĩ đến James Bond. Còn nếu nói về một cơ quan mà mục đích duy nhất là tiếp cận mục tiêu và sử dụng công nghệ tối tân để thu và phát tín hiệu, đó chính là SCS”.

Về mặt công khai và chính thức, SCS không tồn tại. Nhưng theo một nhà báo Mỹ, cơ quan này được thành lập từ năm 1978 để kết nối khả năng thâm nhập các mạng lưới của nước ngoài của NSA và khả năng xâm nhập nước ngoài của CIA. Giám đốc của SCS cũng được giữ luân phiên giữa Giám đốc NSA và Giám đốc CIA.

SCS có mặt ở khắp mọi nơi. Năm 1999, một đội ngũ được gọi là “Các đơn vị thu thập đặc biệt” (SCE) đã thâm nhập Afghanistan để theo dõi các trại huấn luyện al Qaeda gần Khost. Cùng năm, họ thâm nhập mạng lưới thông tin của Pakistan để nghe trộm các cuộc trao đổi về kho hạt nhân của nước này. Sau khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003, Tướng Keith Alexander, Giám đốc NSA đã cử đơn vị này hỗ trợ cho Ban Chỉ huy các chiến dịch Đặc biệt chung của Mỹ tại Balad (Iraq). Cụ thể hoạt động của SCE, theo nhà báo Bob Woodward mô tả thì đó là cả một “phép mầu tình báo”, với khả năng “truyền tải nguyên văn các cuộc đối thoại cấp cao của chính phủ nước ngoài ở cả châu Âu, Trung Đông và châu Á”. Từ những năm 1980, đơn vị này đã sử dụng đến kỹ thuật chiếu các tia laser từ cách mục tiêu hàng chục mét vào cửa kính để ghi lại độ rung từ các cuộc đối thoại và sau đó mã hóa chúng.

Các SEC chỉ gồm từ 2-5 người thay phiên nhau có mặt tại các sứ quán Mỹ khắp thế giới, làm việc dưới vỏ bọc các quan chức đối ngoại hoặc nhân viên của Dịch vụ Viễn thông ngoại giao. Khi không có vỏ bọc của nhân viên ngoại giao, họ “đóng vai” các doanh nhân. Các sứ quán Mỹ chính là căn cứ của họ và là nơi lưu giữ các thiết bị nhạy cảm để họ sử dụng.

Tính hữu ích của SCS là hiển nhiên không phải bàn. Vì nếu như Mỹ luôn tìm cách thâm nhập mạng lưới nước ngoài hoặc giải các mật mã phức tạp, thì nước ngoài cũng luôn tìm cách để chống lại. Trong những tháng tới, khi FISA được xem xét lại và nhiều nghi vấn cũng sẽ được đặt ra về hoạt động của NSA – về quyền hạn và khả năng của cơ quan này, chắc chắn công việc bí mật nhưng hiệu quả và quả cảm của các nhân viên SCS sẽ được nhắc đến.

Mai Anh