Theo báo cáo của Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) công bố ngày 1/11 tại Hội nghị Ung thư Thế giới ở Paris (Pháp), số liệu trên tương ứng với mức tăng gần 60% số ca tử vong do ung thư chỉ trong chưa đầy 2 thập kỷ.
Số ca tử vong lớn nhất chủ yếu tập trung ở nữ giới trẻ tuổi hoặc trung niên tại các quốc gia nghèo và có mức thu nhập trung bình. Ngoài ra, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2030, số ca mắc mới ung thư ước tính tăng từ 6,7 triệu người lên 9,9 triệu người mỗi năm như một hệ quả của việc gia tăng và già hóa dân số.
Hình minh họa. (Nguồn: The Guardian) |
Chuyên gia Sally Cowal thuộc ACS nhận định thực trạng nói trên đang tạo ra gánh nặng đối với các gia đình và đối với nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Gánh nặng này đang ngày càng gia tăng tại các nước đang phát triển khi mà tuổi thọ của con người ngày càng cao nhờ dịch vụ y tế được cải thiện. Nữ giới ở các nước này có nguy cơ mắc ung thư cao do các yếu tố liên quan đến điều kiện kinh tế thay đổi nhanh chóng khiến họ ít vận động về thể chất, ăn uống không khoa học, béo phì, hoặc các yếu tố liên quan tới khả năng sinh sản.
Cũng theo ACS, trên toàn thế giới cứ 7 phụ nữ sẽ có một người tử vong do ung thư. Căn bệnh này đang là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ hai toàn cầu chỉ sau bệnh tim mạch.
4 trong số các loại bệnh ung thư dễ gây tử vong nhất - gồm ung thư vú, ung thư kết trực tràng, ung thư phổi và ung thư cổ tử cung - hầu như có thể ngăn chặn được hoặc có thể được phát hiện sớm. (Nguồn: Medical Daily) |
Trong khi đó, báo cáo đăng tải trên tạp chí y học The Lancet ngày 2/11 cảnh báo trong giai đoạn 2015-2030, chỉ riêng số lượng nữ giới được chẩn đoán mắc ung thu vú ước tính sẽ tăng lên gần gấp đôi từ 1,7 triệu người lên 3,2 triệu người mỗi năm. Số ca được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung có thể tăng ít nhất khoảng 25% lên hơn 700.000 người, chủ yếu tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tỷ lệ các ca ung thư được chẩn đoán và điều trị tại những quốc gia nghèo thường thấp hơn so với các quốc gia giàu, nên tỷ lệ tử vong do ung thư tại các nước nghèo thường cao hơn các nước giàu. Các quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất là Zimbabwe, Malawi, Kenya, Mông Cổ và Papua New Guinea.
Tuy nhiên, cũng theo 2 báo cáo trên, 4 trong số các loại bệnh ung thư dễ gây tử vong nhất - gồm ung thư vú, ung thư kết trực tràng, ung thư phổi và ung thư cổ tử cung - hầu như có thể ngăn chặn được hoặc có thể được phát hiện sớm, từ đó giúp việc điều trị có thể hiệu quả hơn.