Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với người đồng cấp Israel Yair Lapid, người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar và người đồng cấp Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất Sheikh Abdullah bin Zayedon. (Nguồn: Twitter) |
Tập hợp 4 quốc gia chung nhiều lợi ích
Sau cuộc họp ngày 18/10 với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Yair Lapid của Israel, Ngoại trưởng Sheikh Abdullah bin Zayed của UAE, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã đăng tải dòng tweet trên trang Twitter cá nhân: “Ngoại trưởng các nước đã thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực tăng trưởng kinh tế và các vấn đề toàn cầu, nhất trí đẩy nhanh tiến độ này”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, 4 nhà ngoại giao đã thảo luận về “các cơ hội hợp tác trong tương lai ở khu vực và trên toàn cầu”, vấn đề an ninh hàng hải, “mở rộng hợp tác kinh tế và chính trị ở Trung Đông và châu Á".
Trước đó, tại cuộc họp giao ban hàng ngày ở Washington, ông Price nhấn mạnh: "Rõ ràng, đây là tập hợp 4 quốc gia có chung nhiều lợi ích, gồm Mỹ, UAE, Israel và Ấn Độ".
Ấn Độ có quan hệ chặt chẽ với cả 3 nước Mỹ, Israel và UAE.
Trong môi trường chiến lược phức tạp, nơi Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở phía Đông sang phía Tây và xa hơn nữa, Ấn Độ nằm ở giữa Ấn Độ Dương; với đường biên giới biển mở ra cả 2 khu vực, Ấn Độ có thể đảm bảo để 2 khu vực liên kết với Mỹ.
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Trung Quốc - quốc gia giáp biên giới với Afghanistan - đang phát huy ảnh hưởng ở nước này và còn nuôi ý định thể hiện sức mạnh vươn xa hơn nữa.
Tuy nhiên, không giống như ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Bộ tứ coi Bắc Kinh là mối đe dọa bao trùm, Ấn Độ có khả năng là nhân tố kiềm chế đối với Bộ tứ Trung Đông (nếu Bộ tứ này được thành lập), khiến nhóm này ít có khả năng tham gia quá sâu vào các cuộc cạnh tranh khu vực, thay vào đó là tập trung hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, y tế, kinh tế và biến đổi khí hậu.
Trong các phát biểu về cuộc họp nói trên, tuyên bố của Mỹ không đề cập các vấn đề an ninh ngoài cụm từ "an ninh hàng hải".
Tuyên bố sau cuộc họp của 4 Ngoại trưởng cũng nhấn mạnh đến tình trạng biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.
Bàn cờ rối rắm
Các nước thành viên của nhóm Bộ tứ đã tổ chức các cuộc tập trận chung. Ấn Độ còn là nước đăng cai tổ chức giai đoạn 2 của cuộc tập trận Malabar với sự tham dự của lực lượng hải quân Bộ tứ hồi tuần trước.
Tuy nhiên, không giống với Bộ tứ, dù 4 nước Mỹ, UAE, Israel và Ấn Độ không tổ chức tập trận chung nhưng Ấn Độ vẫn tham gia các cuộc tập trận riêng rẽ với Israel và UAE.
Ấn Độ cũng đang tham gia cuộc tập trận không quân mang tên Lá cờ xanh của Israel, bắt đầu từ ngày 17/10 cùng với Mỹ, Anh, Đức, Italy, Pháp và Hy Lạp.
Ấn Độ và UAE đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân ngoài khơi bờ biển của Abu Dhabi hồi tháng 8 vừa qua.
Trong một tổ hợp hợp tác gồm 4 quốc gia tập trung vào Trung Đông, UAE có tài chính, Israel và Mỹ có lợi thế về công nghệ, còn Ấn Độ có năng lực sản xuất và thực hiện.
Tuy nhiên, tình hình địa chính trị ở Trung Đông khá phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau.
UAE là đồng minh thân cận của Saudi Arabia, một cường quốc hàng đầu khu vực và không tham gia sáng kiến Trung Đông này, không có quan hệ ngoại giao với Israel. Nhưng chắc chắn, bất kỳ sự hợp tác nào của 4 nước nói trên dường như sẽ bao gồm cả Saudi Arabia.
UAE và Saudi Arabia có thái độ thù địch với Qatar, thậm chí đã trải qua giai đoạn cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và áp đặt lệnh cấm vận đối với nước này với lý do Qatar hỗ trợ khủng bố. Israel cũng đã có những phàn nàn tương tự về Qatar.
Xung đột ở Yemen chứng kiến UAE và Saudi Arabia đứng về một phía ủng hộ chính phủ Yemen, trong khi Qatar và Iran hậu thuẫn cho phiến quân Houthi trong cuộc nội chiến tại Yemen.
Ngoài ra còn có nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ: Ankara đang cố gắng nổi lên như một trung tâm đối thủ của Hồi giáo chính trị để giành lại vai trò Caliphate trước Thế chiến I.
Sau đó là các cuộc xung đột trong khu vực như ở Syria, được Nga và Iran ủng hộ, nhưng lại bị Mỹ và Saudi Arabia, và cả Libya, phản đối.
Trong khi đó, Ấn Độ đã tránh xa các cuộc xung đột và cố gắng duy trì một số "cầu nối" trung lập với Iran, Qatar và Iran.