📞

SEA Games 31: Lan toả tình yêu thể thao và tình đoàn kết quốc tế

Vũ An 15:13 | 31/05/2022
Chia sẻ với TG&VN, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Phó trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Thông tin-Truyền thông SEA Games 31, cho biết những ngày qua, bà đã nhận được rất nhiều tin nhắn từ bạn bè quốc tế, chúc mừng Việt Nam tổ chức sự kiện thể thao thành công và đáng nhớ.

SEA Games 31 được đánh giá thành công trên mọi phương diện. Theo bà, đâu là những kết quả nổi bật nhất?

Có thể thấy SEA Games 31 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là thử thách rất lớn. Thế nhưng, Việt Nam đã tổ chức SEA Games bài bản, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế. Các môn thể thao đã được điều hành khách quan, công bằng, đặc biệt là các môn Olympic.

Vận hành 40 môn thi của SEA Games 31 đều có đội ngũ trọng tài, giám sát của liên đoàn Đông Nam Á và liên đoàn châu Á của môn thể thao đó. Đối với những môn võ, Việt Nam đã sử dụng các thiết bị điện tử, đo đếm chính xác.

Bà Lê Thị Hoàng Yến trao Huy chương vàng cho nhà vô địch chạy marathon Hoàng Nguyên Thanh. (Ảnh: NVCC)

Lãnh đạo các đoàn thể thao quốc tế hài lòng với công tác tổ chức chuyên môn của chủ nhà Việt Nam, không có phàn nàn hay khiếu kiện, khiếu nại nào. 100% các đoàn thể thao được ăn, ở tại khách sạn 4-5 sao khi đến Việt Nam dự đại hội. Đồ ăn tại các khách sạn phong phú, đáp ứng được nhu cầu, khẩu vị của các đoàn thể thao quốc tế.

Về công tác truyền thông, SEA Games 31 đã có hơn 2.000 phóng viên đăng ký tác nghiệp, trong đó có khoảng 400-500 phóng viên nước ngoài; khoảng 50 hãng thông tấn trên thế giới đăng ký làm thẻ và thường xuyên tác nghiệp tại sự kiện.

Ban tổ chức có Trung tâm Báo chí quốc tế và Trung tâm Truyền hình quốc tế đặt tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi về điều kiện tác nghiệp tốt nhất cho các phóng viên trong nước và quốc tế, giúp họ truyền tải tin, bài, hình ảnh về nước một cách dễ dàng, thuận tiện nhất. Ban tổ chức cũng hỗ trợ các phóng viên nước ngoài phương tiện di chuyển đến các địa điểm thi đấu ở các địa phương.

SEA Games 31 diễn ra khi Việt Nam vừa mở cửa du lịch đón du khách quốc tế, vì vậy, nhiều khách du lịch đã đến và cổ vũ cho các vận động viên tại các sân vận động. Trong thời gian diễn ra sự kiện, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hưởng ứng sự kiện thể thao lớn của khu vực đã được các địa phương tổ chức, trong đó có các tour khuyến mại cho các vận động viên, phóng viên nước ngoài như xe buýt 2 tầng của Hà Nội… đã quảng bá hiệu quả cho hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam.

Việt Nam đã truyền tải được hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Đây là đánh giá khách quan từ các phóng viên nước ngoài, đại sứ quán các nước, các trưởng đoàn thể thao.

Sau khi kết thúc SEA Games 31, tôi đã nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng Việt Nam tổ chức sự kiện thể thao thành công, đáng nhớ, đồng thời cảm kích trước sự đón tiếp nồng hậu của nước chủ nhà từ bạn bè quốc tế. Đặc biệt, các bạn cũng ấn tượng với các tình nguyện viên và khán giả Việt đã luôn cổ vũ nhiệt tình với tinh thần fair play trên các khán đài.

Đoàn thể thao Việt Nam đã đi vào lịch sử của Đại hội Thể thao Đông Nam Á khi phá kỷ lục SEA Games tại 21/30 nội dung, giành được 446 huy chương các loại. Bà nghĩ gì về kết quả này?

Việc Việt Nam giành được nhiều huy chương là bởi chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng và phát huy tốt các môn thể thao thế mạnh.

Trong hai năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các vận động viên không được đi tập huấn nhiều nhưng vẫn miệt mài tập luyện và có khát khao chiến thắng rất mãnh liệt.

Bên cạnh sự quyết tâm của các vận động viên, sự cổ vũ rất lớn của người hâm mộ trên sân nhà cũng là động lực để các vận động viên nỗ lực cống hiến và đạt thành tích tốt.

Bên cạnh thành tích, theo bà, sự kiện SEA Games có ý nghĩa gì với người Việt Nam, cũng như người dân Đông Nam Á nói riêng?

Theo tôi, thể thao luôn có tinh thần gắn kết, xoá nhoà mọi ranh giới và giúp con người xích lại gần nhau. Bên cạnh việc được tham gia thi đấu hết mình, có cơ hội cọ xát để đến những đấu trường cao hơn, thì mỗi vận động viên đều nhận một giá trị tinh thần khác là được tìm hiểu và trải nghiệm một nền văn hoá mới.

Khi sự kiện thu hút lượng khán giả lớn như SEA Games, mọi người sẽ cùng yêu thể thao, quan tâm đến thể thao nhiều hơn, cũng như sẽ chú trọng tập luyện nâng cao sức khỏe của chính mình.

Thể thao còn mang đến niềm vui, tự hào dân tộc, đặc biệt là tinh thần đoàn kết quốc tế. Mỗi tấm gương vượt khó của vận động viên cũng lan toả được năng lượng tích cực đến người hâm mộ.

Vậy đâu là kinh nghiệm có thể rút ra từ công tác tổ chức SEA Games 31, thưa bà?

Dù đại dịch Covid-19 đã làm cho quá trình chuẩn bị đại hội bị chậm hơn so với dự kiến, nhưng chính sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, cùng sự chuẩn bị tích cực của các địa phương đã góp phần tạo nên thành công của SEA Games 31.

Để chuẩn bị cho SEA Games 31, Ban tổ chức đã thành lập 9 tiểu ban và 1 trung tâm điều hành, trong đó mỗi tiểu ban đều có công việc được phân công cụ thể và thực hiện nhịp nhàng, hiệu quả từ chuyên môn kỹ thuật, an ninh, giao thông, lễ tân-khánh tiết, hậu cần, y tế...

Ngoài nỗ lực của Ban tổ chức, sự nhiệt tình, hiếu khách và tinh thần quyết tâm cao của người Việt Nam cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của một sự kiện thể thao quốc tế.

Những kinh nghiệm của Việt Nam hẳn sẽ giúp ích cho Ban tổ chức SEA Games 32 tại Campuchia trong năm tới?

Tại SEA Games 31, Campuchia đã gửi sang Việt Nam 100 người từ Ủy ban tổ chức SEA Games Campuchia để học tập kinh nghiệm tổ chức của Việt Nam, chuẩn bị cho SEA Games 32, dự kiến diễn ra từ ngày 5-16/5/2023 tại Campuchia.

Hiện tại, Campuchia chỉ còn chưa đầy một năm nữa để hoàn tất công tác chuẩn bị cho SEA Games 32. Tuy nhiên, với sự đầu tư chất lượng, chúng tôi tin rằng Đại hội thể thao tới đây ở Campuchia sẽ tiếp tục thành công như những kỳ đại hội trước đó!

Xin cảm ơn bà!