📞

Singapore “làm khó” các ông lớn công nghệ

Cẩm Yến 14:00 | 29/04/2019
 Nhiều tập đoàn công nghệ lớn như “ngồi trên lửa” sau khi dự luật kiểm soát tin giả (fake news) cho phép chính quyền gỡ bỏ các bài viết vi phạm quy định của nước sở tại, được Singapore đệ trình lên Quốc hội hồi đầu tháng Tư.

Singapore hiện là nơi đặt trụ sở tại châu Á - Thái Bình Dương của nhiều tập đoàn/công ty truyền thông và công nghệ như Facebook, Twitter và Google. Theo Báo cáo năm 2018 của Tổ chức Phóng viên không biên giới, Singapore đang xếp thứ 151/180 quốc gia về chỉ số tự do báo chí.

Trong bối cảnh vấn nạn tin giả với dụng ý bóp méo sự thật đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị-xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, đảo quốc sư tử đã quyết định xây dựng một số công cụ pháp lý để ngăn chặn các nội dung không phù hợp trên mạng xã hội.

Các ông lớn công nghệ thế giới quan ngại dự luật chống tin tức giả của Singapore sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quyền tự do ngôn luận. (Nguồn: Reuters)

Luật chơi mới

Được thiết kế nhằm ngăn chặn sự lan truyền của tin tức giả mạo trên mạng, dự luật của Singapore yêu cầu các công ty công nghệ đang hoạt động tại thị trường gần 6 triệu dân này phải phản hồi nhanh chóng với các tin/bài đăng sai sự thật trên các mạng xã hội hoặc trang thông tin trực tuyến. Dù dự luật nhiều khả năng vấp phải sự phản đối cũng như làn sóng chỉ trích trong Quốc hội Singapore, các quy định mới vẫn sẽ có hiệu lực tại đảo quốc này từ cuối năm 2019.

Theo quy định mới của Singapore, nếu các nội dung vi phạm không được gỡ xuống kịp thời, các công ty công nghệ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt không nhỏ, lên tới 1 triệu SGD (tương đương 740.000 USD). Bên cạnh đó, các cá nhân đăng nội dung không đúng sự thật phải chịu mức tiền phạt lên tới 20.000 SGD và/hoặc 12 tháng tù. Kháng cáo - quá trình được cho là tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc, sẽ được đệ trình lên Toà án tối cao Singapore, sau khi Bộ trưởng Bộ Thông tin, Truyền thông và Nghệ thuật nước này xem xét kĩ lưỡng.

Phó Giáo sư Luật học tại Đại học Quản lý Singapore Eugene Tan cho biết, dự luật mới sẽ hỗ trợ Chính phủ Singapore giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến nội dung trực tuyến. Việc các nền tảng trực tuyến và trang web đăng thông tin “đính chính” nhưng vẫn giữ lại nội dung gốc sẽ giúp Chính phủ nước này có “cách tiếp cận hoàn chỉnh hơn”.

Theo đó, các trang web hoặc người dùng vi phạm nhiều lần sẽ được đưa vào danh sách đen, còn các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các nền tảng truyền thông xã hội sẽ không được phép truy cập vào nội dung các trang web đó.

Nhiều lo ngại

Tờ The Guardian nhận định động thái này của Singapore sẽ làm dấy lên lo ngại nước này tiếp tục siết môi trường truyền thông, vốn đã được kiểm soát chặt chẽ. Tới đây, văn phòng Facebook, Twitter và Google tại khu vực châu Á đặt trụ sở ở Singapore ắt hẳn chịu nhiều áp lực hơn khi hỗ trợ thực thi đạo luật trên.

Chuyên gia tại Công ty Fitch Solutions, ông Dexter Thillien cho rằng các “ông lớn” công nghệ thế giới chắc chắn sẽ phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ để xây dựng bản sửa lỗi kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn của Singapore.

“Phần lớn tập đoàn công nghệ đều là các công ty đa quốc gia nên họ đều kỳ vọng những loại hình dịch vụ tương tự ở mọi nơi. Nếu Australia, New Zealand, Canada, Mỹ, Singapore đều ban hành quy tắc riêng và buộc các tập đoàn công nghệ tuân thủ, điều này sẽ khiến các công ty này phải tiêu tốn nhiều chi phí để điều chỉnh cho phù hợp với luật pháp sở tại”, ông Thillien phân tích.

Trong khi Facebook và Google từ chối bình luận trực tiếp, Liên minh Internet châu Á lại lo ngại dự luật có thể ảnh hưởng đáng kể đến quyền tự do ngôn luận. “Đây là dự luật có phạm vi rộng nhất tính đến nay,... có thể gây chia rẽ nghiêm trọng cả ở Singapore và trên thế giới”, đại diện Liên minh này nhận định.

Các nhóm xã hội dân sự cũng bày tỏ lo ngại luật pháp có thể ảnh hưởng tới quyền tự do ngôn luận tại Singapore. Ngày 21/4, cuộc biểu tình công khai chống lại dự luật mới đã diễn ra. Trước đó, 83 học giả chuyên nghiên cứu về châu Á đã đồng loạt ký vào bức thư gửi chính phủ Singapore bày tỏ mối quan ngại về phạm vi của các luật chống tin tức giả.

Gần 100 học giả trên toàn thế giới cũng cảnh báo dự luật có thể đe dọa tự do học thuật và làm tổn thương tham vọng trở thành trung tâm giáo dục toàn cầu của Singapore.

(theo Nikkei Asian Review)