📞

Singapore: "Xã hội hóa" nội dung sách giáo khoa

16:45 | 07/01/2016
Việc đưa chủ đề thời sự vào sách giáo khoa về nghiên cứu xã hội nhằm tăng cường tư duy phản biện của học sinh. 

Sách giáo khoa mới với những chủ đề thời sự và các câu hỏi hướng dẫn để khuyến khích học sinh đưa ra các lập luận. (Nguồn: The Straits Times)

Trước đây, các vấn đề “nóng” trong giới truyền thông Singapore hiếm khi được đưa vào các sách giáo khoa về nghiên cứu xã hội. Thế nhưng, hiện nay, bài viết trên trang Facebook của Thủ tướng Lý Hiển Long - trong đó chia sẻ quan điểm về sự tương tác với người nước ngoài, hay cuộc thảo luận liệu có nên đưa ra một chuẩn nghèo đói hay không, đã được đưa vào nội dung sách giáo khoa nghiên cứu xã hội mới của Singapore.

Bà Marilyn Lim, người phụ trách bộ phận phát triển và chương trình giảng dạy trực thuộc Bộ Giáo dục Singapore cho biết: Bài kiểm tra và sách giáo khoa về xã hội cấp phổ thông trung học đã được sửa đổi, nhằm chú trọng hơn vào việc thúc đẩy tư duy phê phán cho học sinh.

Với giáo trình mới, học sinh được khuyến khích "phát triển cách phản ứng với các vấn đề xã hội hơn là chỉ tiếp nhận thụ động về chúng", một phát ngôn viên của Bộ Giáo dục nói với The Straits Times. Phiên bản sách giáo khoa mới có nhiều chủ đề mang tính thời sự và các câu hỏi hướng dẫn để khuyến khích học sinh tư duy phản biện.

Chẳng hạn, đối với vấn đề "khám phá công dân và quản trị", câu hỏi gợi ý là: "Trở thành một công dân có ý nghĩa gì đối với tôi?" và "Chúng tôi làm thế nào để ra quyết định hữu ích cho xã hội?".

Một sự khác biệt quan trọng là các giáo trình sửa đổi cũng có cách nhìn mới về sự đa dạng –chẳng hạn như con người mang quốc tịch và địa vị kinh tế - xã hội khác nhau thay vì chỉ tập trung vào sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo.

Nhà xã hội học Tan Ern Ser của Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, việc đưa các vấn đề gây tranh cãi trong những năm gần đây vào lớp học là để khuyến khích học sinh xem xét và đánh giá các quan điểm trong giới báo chí hay truyền thông xã hội, thay vì chỉ "là những người đọc một cách bị động và lười suy nghĩ".

Tuy nhiên, học sinh vẫn cần phải có thông tin về bối cảnh lịch sử để hiểu những vấn đề mới. "Họ cần phải có cơ hội để đánh giá quá khứ và tìm hiểu những bài học mà lịch sử để lại", ông Tan Ern Ser nhấn mạnh.

Một số phụ huynh đã rất vui mừng khi biết được sự đổi mới sách giáo khoa và cách làm bài thi này. Nhân viên kinh doanh bất động sản Charlotte Chng - có con học cấp 3, cho biết: "Con trai tôi không phải là người thích vùi đầu trong sách vở và ghi nhớ các dữ liệu, vì vậy tôi nghĩ rằng các dạng bài thi được sửa đổi sẽ có lợi cho nó. Tôi có thói quen thảo luận về các tin tức với con, theo tôi, đây là cách gián tiếp dạy cho nó những kỹ năng cần thiết".

(theo The Straits Times)