📞

Sinh viên nghệ thuật Havard lao đao vì nợ học phí

17:12 | 17/08/2017
Tốt nghiệp từ Đại học Havard (Mỹ) danh giá, nhiều sinh viên khối ngành nghệ thuật của trường vẫn phải vật lộn mưu sinh để trang trải cho các khoản nợ học phí khổng lồ từ khi còn theo học.

Nhận bằng kèm... hóa đơn nợ

Đã 12 năm trôi qua kể từ khi tốt nghiệp khoa Nghệ thuật Điện ảnh tại Học viện Kịch nghệ Mỹ (A.R.Institue) thuộc Đại học Harvard danh giá, Katierose Donohue hàng tháng vẫn phải gồng mình trả các khoản vay khi còn là sinh viên. Để theo đuổi con đường nghệ thuật, Katierose đã vay vốn sinh viên gần 75.000 USD nhằm trang trải cho khoản tiền học phí đắt đỏ cho 4 năm học tại trường.

Sau khi ra trường, khi chưa ghi được nhiều dấu ấn, gánh nặng cơm áo đã khiến cô diễn viên trẻ phải dừng hẳn các buổi tập kịch hàng tháng, làm nhiều việc cùng một lúc để có đủ tiền sinh hoạt và chi trả các món nợ tồn đọng. Mặc dù làm việc không ngừng nghỉ nhưng Katierose cho biết, cô sẽ rất chật vật để trả hết số tiền còn lại.  

Một tiết học diễn xuất của học viên tại Viện A.R.T. (Nguồn: ART)

Trường hợp của Katierose Donohue không phải hiếm khi rất nhiều sinh viên kịch nghệ tại Mỹ đang phải tạm gác ước mơ để lao vào công cuộc mưu sinh, kiếm tiền thanh toán các khoản vay từ thời sinh viên. 

Dù nổi tiếng là một trong những trường đại học giàu có nhất thế giới nhưng trên thực tế các sinh viên theo học khối ngành nghệ thuật tại Đại học Havard không nhận được nhiều hỗ trợ về tài chính và thường tốt nghiệp kèm với khoản nợ trung bình lên tới 78.000 USD. Con số này quá lớn so với khoản nợ của nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các đại học cùng nhóm ngành. Đơn cử như Đại học Yale, tỷ lệ nợ trung bình của các sinh viên mỹ thuật chỉ khoảng 14.000 USD hay Đại học Juilliard, khoản nợ vay trung bình dành cho sinh viên trong suốt 4 năm học chỉ khoảng 27.000 USD.

Ngoại trừ một quỹ học bổng hạn hẹp, sinh viên theo học khối ngành nghệ thuật tại Havard hầu như không được nhận bất cứ khoản trợ cấp tài chính nào từ trường.  Mellisa Sellers - một sinh viên kịch nghệ đang gánh khoản nợ 135.000 USD chia sẻ, cô đã từng đến Phòng hỗ trợ tài chính của Đại học Havard và phải ra về trong nỗi thất vọng tràn trề.

Phân biệt đối xử

Nhiều sinh viên nghệ thuật Harvard tâm sự, thay vì cảm thấy tự hào vì đang theo học tại một ngôi trường danh giá, họ lại có cảm giác bị bỏ rơi khi gặp phải nhiều tình huống phân biệt đối xử ngay tại trường.

Theo quy định, sinh viên của trường sẽ được hưởng mọi quyền lợi từ chỗ ở, ăn mặc, đi lại… nhưng nhiều sinh viên nghệ thuật phàn nàn, tên của họ thường không tìm thấy trong danh sách học viên tại các khu tập gym của trường hay bị gây khó dễ khi yêu cầu hỗ trợ cho việc đi lại.

Nhiều học viên vẫn chưa trả hết nợ từ thời sinh viên. (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, phía trường có cung cấp cho sinh viên những lá đơn xin trợ cấp tài chính (khoảng 2.500 USD/ năm) nhưng lại không hề giảm mức học phí trong suốt quá trình học. Thông thường một sinh viên theo học nghệ thuật tại Havard sẽ phải trả khoảng 68.000USD cho chương trình thạc sỹ kéo dài hơn 2 năm, chưa bao gồm chi phí sinh hoạt.

Trước sự phản đối gay gắt của các sinh viên, đại diện của A.R.Institue cam kết, từ năm 2018, trường sẽ tăng các khoản hỗ trợ tài chính cho các sinh viên, đặc biệt là các sinh viên theo học khối ngành nghệ thuật.

(theo The New York Times)