Bùng nổ nhu cầu sử dụng smartphone đến từ kho ứng dụng khổng lồ đem lại nhiều tiện ích. |
Khi iPhone - chiếc smartphone đầu tiên của thương hiệu Apple được CEO Steve Jobs giới thiệu vào năm 2007, nó được đánh giá sẽ trở thành mẫu điện thoại của tương lai, là điện thoại mà bất cứ người sành điệu nào cũng muốn sở hữu.
Theo thời gian, những chiếc smartphone ngày càng hiện đại hơn với vô số tính năng và công dụng. Giờ đây, việc cầm một chiếc smartphone giống như bạn đang nắm cả thế giới trong lòng bàn tay.
Hãy thử nghĩ xem, đâu là thứ duy nhất mà bạn không thể quên mỗi khi ra khỏi nhà? Rất có thể, đó chính là chiếc smartphone luôn bên bạn mỗi ngày.
Từ tiện ích cho cuộc sống
Thực tế, iPhone không phải là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới. Trước đó, giới công nghệ từng bị cuốn hút bởi thương hiệu Blackberry với thiết kế sành điệu, bàn phím cơ đầy đủ công dụng hay những chiếc điện thoại PDA dùng màn hình cảm biến và bút điện tử stylus để nhập liệu.
Đến năm 2007, Steve Jobs và iPhone đã thay đổi định nghĩa smartphone bằng cách biến trải nghiệm màn hình cảm ứng trở nên trực quan và thú vị hơn với độ chính xác cao mà không cần phải dùng lực để bấm như những chiếc điện thoại trước đó.
Khoảng một năm sau, Apple tiếp tục giới thiệu App Store, mở ra cơ hội phát triển các ứng dụng smartphone cho các công ty thứ ba và khiến smartphone ngày càng trở nên thông minh hơn với hàng loạt ứng dụng mới lạ.
Google cũng không chịu “kém cạnh” khi bắt tay với HTC tạo ra G1 (hay còn gọi là HTC Dream) và ra mắt kho ứng dụng khác mang tên Google Play không lâu sau đó.
Những ngày đầu, Android chưa thu hút được nhiều người dùng như iOS của Apple. Năm 2009, khi chiếc Motolora Droid ra mắt, Google, Verizon và Motorola đã cùng xây dựng chiến dịch marketing hoàn hảo hòng đưa Android trở thành hệ điều hành đối chọi với iOS. Hiện nay, Android đã trở thành nền tảng có nhiều người dùng nhất thế giới với khoảng 2,5 tỷ thiết bị đang hoạt động.
Thấy trước được tiềm năng phát triển của Android, năm 2010, Samsung bắt đầu đẩy mạnh thương hiệu smartphone Galaxy S dựa trên nền tảng này với chiến dịch marketing rầm rộ. Nhờ vậy, thế giới ngày nay mới được chiêm ngưỡng những cuộc đối đầu đầy tính giải trí giữa Apple và Samsung, iOS và Android. Hiện nay, thị trường smartphone đã trở nên sôi động hơn với hàng loạt cái tên mới, đặc biệt đến từ thị trường Trung Quốc như Xiaomi, OnePlus, Huawei…
Không chỉ do phần cứng ngày càng tiên tiến và hiện đại hơn, sự bùng nổ nhu cầu sử dụng smartphone còn đến từ kho ứng dụng khổng lồ đem lại nhiều tiện ích cho cuộc sống.
Nếu như 12 năm trước, iPhone chỉ là chiếc điện thoại có màn hình cảm ứng với một số tính năng cơ bản như nghe nhạc, ghi chép, kết nối Internet… thì giờ đây, những ứng dụng cho smartphone hiện đại được phát triển đến con số hàng nghìn với nhiều tính năng đa dạng.
Với một chiếc smartphone, bạn đã sở hữu một siêu máy tính ảo thu nhỏ trong lòng bàn tay, từ gọi xe, chuyển tiền ngân hàng, thanh toán không cần tiền mặt, tra cứu thông tin, bản đồ, xem hàng nghìn bộ phim trên mạng, chơi game từ đơn giản tới phức tạp, nhắn tin, gọi điện thoại mà không mất tiền với độ an toàn cao…
... đến nỗi sợ bị bỏ lỡ
Giờ đây, giới công nghệ không còn mấy hào hứng chờ đón các mẫu smartphone Samsung hay iPhone bởi những thay đổi thường không nhiều. Dẫu vậy, những mẫu điện thoại sử dụng công nghệ 5G, hay có thiết kế độc có thể gập lại như Samsung Galaxy Fold vẫn khiến người ta xôn xao.
Thế nhưng, sau hơn 10 năm tuổi đời, smartphone lại không gây chú ý bởi những cải tiến chất lượng về phần cứng hay phần mềm mà chủ yếu bởi những ảnh hưởng trái chiều của nó đối với người dùng.
Đài ABC (Mỹ) trích một nghiên cứu cho thấy, trung bình một người sẽ kiểm tra điện thoại của mình 47 lần/ngày. Trong khi đó, con số này đối với những người trong độ tuổi từ 18-24 là 86 lần.
Bác sĩ thần kinh học Yafa Minazad cho biết, mỗi khi chiếc smartphone rung lên, nhịp tim và các hormones căng thẳng tăng lên khiến chúng ta phải nhanh chóng kiểm tra điện thoại của mình. Đây được gọi là chứng FOMO (sợ bị bỏ lỡ). Nó khiến con người cảm thấy lo lắng, không cho phép dây bộ não và dây thần kinh được nghỉ ngơi.
Triệu chứng này đang gia tăng đáng báo động khiến nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần lo lắng, thế hệ trẻ lớn lên với smartphone sẽ bị “nghiện” mà quên mất thế giới thực tại.
Ngoài ra, việc sử dụng smartphone quá lâu gây ra không ít ảnh hưởng tới sức khỏe con người như làm tổn thương xương khớp tay, đau cổ, trầm cảm, giảm trí nhớ…
Các công ty sản xuất điện thoại đã nhận ra vấn đề và đang cố gắng giảm thiểu thời gian sử dụng của người dùng thông qua các ứng dụng mới. Chẳng hạn, qua tính năng Screen Time, iOS 13 của Apple cho phép người dùng kiểm soát quyền truy cập ứng dụng và các bậc phụ huynh có thể quản lý hoạt động của con mình tốt hơn.
Không thể phủ nhận rằng smartphone là phát minh cực kỳ quan trọng, giúp thay đổi cuộc sống thường nhật của chúng ta. Tuy vậy, nó thay đổi theo cách tốt hay xấu còn phụ thuộc vào thói quen của người dùng. Công nghệ sinh ra vốn để phục vụ con người, chứ đừng để con người phải phục tùng công nghệ.