Số hóa giúp các MSME tăng năng suất; tiết kiệm chi phí; xử lý thông tin, dữ liệu dễ dàng; thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số đối với hàng triệu người tiêu dùng trên khắp Indonesia... (Nguồn: ITC) |
Theo số liệu của Bộ Hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia, năm 2021, có 64,2 triệu MSME, đóng góp 61,07% (tương đương 8.573,89 nghìn tỷ Rupiah) vào GDP của quốc gia .
Điều quan trọng, MSME cung cấp việc làm cho 97% tổng lực lượng lao động của quốc gia (khoảng 117 triệu lao động), trong số đó, 64,5% là phụ nữ.
Cơ hội mới
Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cú sốc kinh tế toàn cầu với cường độ lớn, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong hai năm qua. Khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là MSME cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Tại Indonesia, các MSME thường có mức vốn thấp và hạn chế về nguồn lực để đổi mới.
Đại dịch đã khiến các MSME thiệt hại lớn về thu nhập và vốn. Các MSME cũng phải đối mặt với những thách thức mới, chẳng hạn như chi phí kinh doanh cao hơn, nợ ngày càng tăng và những bất ổn trong quản lý điều hành đòi hỏi phải cải cách cơ cấu để cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh tại địa phương...
Tuy nhiên, theo ông Danny Ardianto, chuyên gia chính sách công của Google Indonesia, trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp Indonesia, từ các doanh nghiệp lớn cho tới MSME áp dụng công nghệ kỹ thuật số để phát triển kinh doanh.
Các ngành truyền thống như nông nghiệp, giáo dục và tài chính cũng đang đi theo xu hướng này. Đặc biệt, quá trình thích ứng với công nghệ tại Indonesia được đẩy nhanh bởi sự xuất hiện ồ ạt của các công ty khởi nghiệp.
Không chỉ thế, hoạt động thương mại trực tuyến của các MSME đã gia tăng mạnh khi nhiều người tiêu dùng tránh các cửa hàng, chợ truyền thống và chuyển sang các nền tảng mua sắm trực tuyến để tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Indonesia có tiềm năng to lớn trong việc phát triển công nghệ tài chính (Fintech) với thị trường hơn 272 triệu dân trải khắp hơn 17.000 hòn đảo, trong số này có khoảng 137 triệu người trong độ tuổi lao động.
Năm 2021, có 202 triệu người dùng Internet, đóng góp 70 tỷ USD cho nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia.
Kinh tế số của Indonesia có thể thúc đẩy tăng năng suất quốc gia lên 120 tỷ USD vào năm 2025. Điều này tạo cơ sở cho sự đổi mới hơn nữa để hỗ trợ các mục tiêu môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp (ESG - một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững).
Đại dịch đã chuyển hành vi mua hàng của người tiêu dùng từ ngoại tuyến sang trực tuyến, mang đến thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp. Việc sử dụng số hóa đúng cách có thể mang đến nhiều cơ hội mới và MSME cũng không ngoại lệ.
Số hóa giúp các MSME tăng năng suất; tiết kiệm chi phí; xử lý thông tin, dữ liệu dễ dàng; thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số đối với hàng triệu người tiêu dùng trên khắp Indonesia...
Kinh tế số của Indonesia có thể thúc đẩy tăng năng suất quốc gia lên 120 tỷ USD vào năm 2025. (Nguồn: Reuters) |
Hỗ trợ MSME đẩy nhanh tiến trình số hóa
Đến thời điểm hiện tại, các MSME của Indonesia đã được hưởng những lợi ích của số hóa khi tiếp cận với khách hàng trong nước và trên toàn cầu, giảm chi phí hoạt động và tối ưu hóa các quy trình giao dịch.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN) đã tạo ra một nền tảng để bảo vệ và hỗ trợ các MSME trong ngành công nghiệp sáng tạo tiếp cận vốn; nguyên liệu; mở rộng thị trường trong nước, thâm nhập thị trường xuất khẩu và mở rộng phạm vi phủ sóng thông qua số hóa MSME.
Nền tảng Wiki Wirausaha sẽ giúp các MSME giải quyết các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và đóng vai trò là cầu nối kết nối các MSME với chính quyền địa phương.
KADIN cho rằng, đã đến lúc khu vực tư nhân và chính phủ hợp tác để vượt qua khoảng cách kỹ thuật số. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp vươn lên phục hồi sau đại dịch, thúc đẩy năng suất và tăng thu nhập.
Thời gian tới, KADIN nỗ lực hợp tác chặt chẽ với chính phủ để đẩy nhanh sự phát triển của các MSME và đẩy nhanh tiến trình số hóa để xây dựng một khu vực tài chính mạnh mẽ, bao trùm và phát triển bền vững.
| Kinh tế kỹ thuật số - cơ sở thúc đẩy kết nối ASEAN với các nước ngoài khu vực Đối với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, kinh tế kỹ thuật số không chỉ là “bệ phóng” cho tăng trưởng kinh tế, ... |
| Kinh tế số - đường đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam Đối với Việt Nam, tương lai để tăng trưởng kinh tế nằm ở việc tận dụng được tối đa các công nghệ kỹ thuật số, ... |