📞

EVFTA: Muốn sống sót, phải thay đổi

Linh Nguyễn 08:30 | 04/10/2020
TGVN. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) bước đầu đã có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa thực sự hiểu đúng và đủ các cam kết trong Hiệp định này.

Sau gần hai tháng triển khai, Hiệp định EVFTA đã mang lại những tín hiệu vui trong thương mại và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt trong một số lĩnh vực như: giày dép, thủy sản, nhựa, cà phê, dệt may, túi xách, rau quả và mây tre đan…

Doanh nghiệp vẫn loay hoay

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng đầu thực hiện Hiệp định EVFTA, đã có trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang EU.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu để nắm bắt đầy đủ, chính xác các cam kết của Hiệp định EVFTA. (Nguồn: Gulf News)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam cũng bắt đầu khởi sắc nhờ EVFTA. Các đơn hàng thủy sản sang EU trong tháng Tám đã tăng 10% về kim ngạch so với tháng trước. Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực với mức tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng Bảy; 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9.

Tại hội thảo “Hiệp định EVFTA - Những điều doanh nghiệp cần biết” diễn ra mới đây, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định, dù không mới nhưng EVFTA lại rất đặc biệt.

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với sức mua lớn thứ hai trên thế giới, là nơi tập trung nhiều nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Do đó, Hiệp định này được Việt Nam kỳ vọng và được mong đợi nhất ở thời điểm này.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI nhận thấy, phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ toàn bộ những cam kết về thuế quan, mở cửa thị trường đối với hàng hóa, quy tắc xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phi thuế quan… Trong quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp vẫn còn chưa hiểu đầy đủ, rõ ràng và tường tận về Hiệp định EVFTA.

Về phía doanh nghiệp, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho rằng, mỗi doanh nghiệp cũng chỉ quan tâm cái họ đang làm, vì vậy, các chính sách hướng dẫn thực thi EVFTA cần đánh trúng trọng tâm, mong muốn của doanh nghiệp.

“Điều doanh nghiệp quan tâm hơn cả là cần phải làm gì để hưởng lợi từ EVFTA. Thương mại dịch vụ trong EVFTA có quy định rất chặt chẽ, rõ ràng và đóng vai trò quan trọng. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của các ngành nghề trong EVFTA cũng khác nhau, vì vậy, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu thật kỹ khi bước vào ‘sân chơi’ này”, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Cơ hội để thay đổi

Để hiện thực hóa những cơ hội mà EVFTA mang lại, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu để nắm bắt đầy đủ, chính xác các cam kết của Hiệp định EVFTA, nhất là những nội dung liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình, từ đó mới có thể có hành động chuẩn bị, tận dụng các cam kết một cách phù hợp.

“Đối với các FTA, ưu đãi thuế quan luôn đi kèm quy tắc xuất xứ. Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tốt, sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn và ở nấc cao hơn trong các chuỗi giá trị. Chính phủ hiện nay đã nhận diện được những yêu cầu này và đang xây dựng những chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Song, cũng giống như đường cao tốc, xe muốn đi nhanh thì phải chịu phí, với EVFTA, doanh nghiệp phải chấp nhận gia tăng chi phí để điều chỉnh sản xuất, kinh doanh”, bà Trang nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để tận dụng được những cơ hội từ EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Song song với đó, hệ thống thể chế cũng cần nhiều thay đổi để các nhà đầu tư từ EU yên tâm và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội vượt qua thách thức.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp cũng như giữa Việt Nam với các quốc gia khác. Thực tế, hơn 30 năm mở cửa, Việt Nam vẫn làm gia công mà không vươn lên được các vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Điều này chứng tỏ năng lực kết nối của Việt Nam còn hạn chế.

Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận thấy, nếu không nâng cao khả năng kết nối, doanh nghiệp khó có thể nâng cao vị thế của mình. Khi thách thức nhiều, người ta lợi mười, mình chỉ được lợi một và cơ hội sẽ trôi đi, các nước khác sẽ chớp mất cơ hội này.

Bà Phạm Chi Lan cũng chỉ ra, hầu hết với các FTA trước, Việt Nam đều mong đợi sẽ có đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) mà quên đi việc tăng nội lực cho chính đất nước mình, muốn tăng xuất khẩu nhưng lại quên đi nhập khẩu.

Ý nghĩa của xuất khẩu là tạo nguồn ngoại tệ để nhập về những thiết bị cần thiết để nâng khả năng sản xuất của nền kinh tế, chứ không phải nhập về để lại làm xuất khẩu ra ngoài. Điều này không giúp nâng cao nền tảng của nền kinh tế.

“Nhưng tôi tin, EVFTA sẽ khác với các FTA trước, bởi lẽ Việt Nam đã nhận ra nội lực là yếu tố quan trọng. Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, đây là lúc doanh nghiệp không ‘chơi’ được theo cách cũ, muốn sống sót thì phải thay đổi. EVFTA đang tạo ra cơ hội để doanh nghiệp thay đổi”, bà Phạm Chi Lan nhận định.

“Doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào sự thành công của EVFTA. Khi chơi với ‘người khổng lồ’ EU, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp nâng cấp bản thân. Thước đo của việc thực hiện EVFTA là số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai bên làm ăn, buôn bán được với nhau. Vì vậy, với những lợi ích to lớn mà EVFTA mang lại, các cơ quan ban ngành có liên quan và doanh nghiệp hãy nắm tay nhau để cùng đi trên chuyến cao tốc này”.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc