📞

Sở hữu 28 bằng sáng chế ở Mỹ, Tiến sĩ gốc Việt sẵn sàng chia sẻ với quê hương

16:46 | 22/02/2024
Trong 28 bằng sáng chế của Tiến sĩ David Vũ được cấp ở Mỹ, có 4 bằng sáng chế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, hóa chất và động cơ đốt trong.

Tiến sĩ David Vũ sang Mỹ từ năm 23 tuổi. Ông thi đậu ngành kỹ sư hóa học tại Đại học Nebraska-Lincoln - ngôi trường nằm trong Top 30 các đại học nghiên cứu quốc gia hàng đầu của Mỹ, vào năm 1993.

Sau đó, ông nhận được học bổng McNair Scholar dành cho sinh viên xuất sắc nghiên cứu khoa học, hướng tới theo học bậc Tiến sĩ.

Tiến sĩ David Vũ. (Ảnh: NVCC)

Năm 1999, nhận bằng Thạc sĩ ngành kỹ sư hóa học, ông làm việc cho hãng ATARD laboratory - công ty nghiên cứu về hợp chất polymer cho máy bay và motor điện. Thời gian sau, ông tiếp tục theo học Tiến sĩ tại Đại học Nebraska.

Trước khi nhận bằng Tiến sĩ tháng 12/2005, David Vũ làm việc theo lời mời của Công ty LNK Chemsolutions, chuyên nghiên cứu trong lĩnh vực y tế.

Tại đây, ông được cấp sáng chế sử dụng công nghệ nano để chế tạo thuốc trị ung thư. Ông cũng song song viết phần mềm cho Công ty Kamterter Products LLC (chuyên về công nghệ nông nghiệp và hạt giống) và gắn bó cho đến nay.

Trong số các nghiên cứu mà vị Tiến sĩ gốc Việt được WIPO cấp bằng có cả công nghệ nano. Đó là năm 2002 công nghệ nano phát triển mạnh, ông sử dụng vỏ tôm để cấy tế bào sụn ở đầu gối lên trên thảm nano (chitosan nanofibers mat).

Tiến sĩ David Vũ trở thành người đầu tiên trên thế giới tạo ra màng nano chitosan với liên kết ngang (crosslinking). Đây là nghiên cứu đầu tiên tạo ra sợi nano starch acetate có kích thước nhỏ hơn 40 nanometer.

Ông muốn mang công nghệ, sáng chế ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp như phun thuốc trừ sâu và diệt cỏ, hay các chất kích thích hạt giống/cây trồng chịu được mặn, hạn hán, sâu rầy, phèn và năng suất cao để giúp nền nông nghiệp của Việt Nam phát triển, đỡ phụ thuộc vào nước ngoài.

Tiến sĩ gốc Việt cho biết ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức hướng dẫn các nhà khoa học trẻ theo hướng nghiên cứu ứng dụng, đồng thời trao đổi công nghệ, hợp tác nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp.

(theo Nhipcaudautu)