📞

Sở hữu kỹ năng tài chính siêu việt, vì sao Evergrande vẫn không thoát khỏi cảnh nợ nần?

Phương Nga 13:57 | 24/09/2021
Trong mớ thông tin hỗn độn của Evergrande, các chuyên gia đã tìm ra cách thức mà tập đoàn này xoay sở để thao túng các thị trường vốn, thông qua những câu chuyện mà họ tạo ra.

Tờ Canxin (Hong Kong) nhận định một trong những câu chuyện nổi bật của Evergrande là hình dáng của tập đoàn này với tư cách là một nhà sản xuất ô tô năng lượng mới.

Giá trị thị trường của Tập đoàn Xe Năng lượng mới Evergrande (Evergrande Auto) - hiện vẫn chưa bán được bất cứ một chiếc xe nào, từng tăng vọt lên mức 674,1 tỷ HKD (tương đương 86,59 tỷ USD), đưa Evergrane Auto trở thành doanh nghiệp ô tô niêm yết có giá trị cao nhất ở Trung Quốc.

Con số đó cao gấp đôi tập đoàn mẹ, bất kể Evergrande đã bán được những ngôi nhà trị giá hàng nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT) trong suốt 20 năm qua.

Tuy nhiên, giờ đây, thời thế đã thay đổi. Evergrande Auto hiện chỉ được định giá khoảng 20 tỷ HKD, đạt khoảng 4% so với thời kỳ đỉnh cao.

Theo nhận định của các chuyên gia, mục đích chính của Evergrande Auto là để huy động vốn cho tập đoàn mẹ. Evergrande tuyên bố họ đã đầu tư 47,4 tỷ NDT, tương đương 7,33 tỷ USD, vào hoạt động kinh doanh sản xuất xe ô tô, song một số nhà phân tích tin rằng phần lớn giá trị của khoản đầu tư đó đến từ thị trường, không phải từ chính Evergrande.

Một nhà phân tích cho biết: “Evergrande Auto đã huy động được 30 tỷ NDT sau hai vòng chào bán cổ phiếu. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp này chủ yếu sử dụng tiền của các nhà đầu tư - thay vì vốn tự có - để đầu tư kinh doanh và đã đạt được giá trị thị trường cao (cho một công ty ô tô).

Kết quả là, nhờ cổ phiếu của Evergrande Auto ở mức giá cao, chúng có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp, giúp huy động nhiều tiền hơn nữa”.

Tỷ phú Hứa Gia Ấn, ông chủ của tập đoàn Evergrande. (Nguồn: Reuters)

Evergrande xoay vòng vốn như thế nào?

Trong câu chuyện của Evergrande Auto, cốt truyện chủ yếu tập trung vào hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), chứ không phải là hoạt động sản xuất xe như thế nào.

Tháng 8/2018, Tập đoàn mẹ Evergrande đã mua một lượng lớn cổ phần của Tập đoàn Đầu tư Công nghiệp Quảng Thủy ở tỉnh Tân Cương với tổng giá trị 14,5 tỷ NDT, trở thành cổ đông lớn thứ hai của công ty này.

Thỏa thuận đó góp phần đưa doanh số bán ô tô vào trong bảng kế toán tài chính của Evergrande Auto, vì Tập đoàn Đầu tư Công nghiệp Quảng Thủy là cổ đông trong Tập đoàn Dịch vụ ô tô xuất chúng (Grand Automotive Services Group) của Trung Quốc, một trong những đại lý ô tô lớn nhất trên cả nước.

Tuy nhiên, động thái này không dẫn đến bất cứ kết quả tích cực nào. Năm 2019, do thiếu tiền mặt, Evergrande đã bán cổ phần trong Tập đoàn Đầu tư công nghiệp Quảng Thủy cho Tập đoàn năng lượng khổng lồ Shenergy, thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, với tổng giá trị 14,85 tỷ NDT.

Đến tháng 1/2019, tiền thân của Evergrande Auto, Tập đoàn Evergrande Health Industry, đã mua lại 51% cổ phần của Công ty Xe điện Quốc gia Thụy Điển (NEVS), với giá 830 triệu USD.

Ông chủ của Evergrande - tỷ phú Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn) đã rất nhanh chóng kết thúc thương vụ, có lẽ là vì ông cần một cơ sở để củng cố năng lực sản xuất ô tô của Evergrande Auto, sau khi quyết định hợp tác với doanh nhân “tai tiếng” Jia Yueting trong dự án xe điện Faraday Future không thành công.

Khi không có Faraday Future, ông Hứa Gia Ấn cần một thứ gì đó để đảm bảo cho Evergrande Auto giữ đúng bản chất là một nhà sản xuất ô tô và NEVS là ứng cử viên phù hợp. Bước đi này đã mang lại kết quả, sau khi thu mua cổ phần của NEVS, giá cổ phiếu của Evergrande Health Industry đã tăng vọt.

Giá cổ phiếu của Evergrande Health Industry tăng vọt một phần là do cổ phiếu của tập đoàn này tập trung trong tay của tương đối ít cổ đông. Ngày 9/8/2020, Evergrande Health Industry nhận được cảnh báo từ Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai của Hong Kong (SFC) về sự chi phối tập trung trong sở hữu cổ phần.

Trong khi đó, thỏa thuận nắm giữ phần lớn cổ phần của Tập đoàn Fangchebao cũng cung cấp thêm bằng chứng về kỹ năng tài chính của Evergrande. Evergrande có 51% vốn sở hữu trong hơn 40.000 cửa hàng vật lý của Fangchebao, thông qua hoạt động hoán đổi cổ phần.

Bằng cách này, Evergrande không phải trả tiền mặt cho Fangchebao, mà đổi lại bằng những hứa hẹn về cơ hội phát hành cổ phiếu ra đại chúng. Kết quả là Evergrande thu về khối tài sản có giá trị, chỉ bằng một khoản đầu tư trị giá 1 tỷ NDT, để trang trải chi phí cải tạo các cửa hàng và tích hợp hệ thống.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản và tài sản ròng của Fangchebao lần lượt đạt 4,7 tỷ NDT và 3,1 tỷ NDT.

Ngày 29/3, Fangchebao đã thu hút được 17 nhà đầu tư chiến lược và huy động được tổng cộng 16,35 tỷ HKD. Các nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm giữ 10% cổ phần của công ty sau khi thương vụ hoàn tất, đẩy mức định giá trước tài chính của Fangchebao tăng lên 163,5 tỷ HKD.

Thỏa thuận này cũng cho thấy một phần số tiền huy động được thông qua việc bán cổ phần hiện có và phần còn lại huy động bằng cách phát hành cổ phiếu mới. Fangchebao đã phát hành thêm 651 triệu cổ phiếu mới cho các nhà đầu tư, trong khi Evergrande có kế hoạch bán 651 triệu cổ phiếu hiện có cho các nhà đầu tư.

Bằng cách như vậy, Evergrande đã có thể đẩy giá trị thị trường của Fanchebao lên 163,5 tỷ HKD chỉ trong một năm và kiếm về 8,175 tỷ HKD từ việc bán cổ phần của Evergrande trong Fanchebao.

Quá lớn để có thể vấp ngã

Một nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thương vụ giao dịch cổ phiếu của Evergrande cho biết tập đoàn đã đưa ra lời hứa hẹn sẽ mua lại cổ phần Fanchebao.

Người này nói: “Điều chúng tôi đánh giá cao là cơ chế điều chỉnh định giá của công ty. Nếu Fangchebao không được niêm yết trong vòng một năm, Evergrande sẽ mua lại số cổ phiếu của chúng tôi với mức phí bảo hiểm 15% so với giá thị trường hiện hành. Ít nhất, thông qua cơ chế này, chúng tôi có thể lấy lại tiền vốn của mình”.

Nhà đầu tư cũng chỉ ra rằng một công ty khác, dưới sự bảo trợ của Evergrande, là Tập đoàn Dịch vụ Bất động sản Evergrande, đã có thể niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán rất nhanh chóng. Minh chứng này khiến các nhà đầu tư tin tưởng rằng khả năng “bán và thu lợi cổ phiếu” của họ không còn xa.

Nhiều tổ chức đã mua cổ phiếu của Fangchebao vì họ tin rằng Evergrande "quá lớn để thất bại" - ít nhất là không phải trong một năm tiếp theo.

Câu hỏi đặt ra là Evergrande đã phát triển theo xu hướng hay có mục đích lấy tiền mặt để bù đắp cho các khoản nợ chưa được công bố của Tập đoàn địa ốc Evergrande?

Một chuyên gia kỳ cựu trong ngành tài chính lý giải: “Về bản chất, Evergrande đã giảm tỷ lệ nợ trên bảng cân đối kế toán của mình trong hai hoạt động: sản xuất ô tô và Fangchebao. Nhờ được định giá cao, hai tài sản này có thể huy động được một lượng tiền lớn. Ý định cuối cùng của Evergrande là giành được nhiều đất hơn dưới chiêu bài sản xuất ô tô và sau đó sử dụng phần đất này để kiếm tiền”.

Theo diễn giả của tỷ phú Warren Buffet - ông trùm sàn chứng khoán Mỹ, với sự sụt giảm của giá nhà ở Trung Quốc và việc Bắc Kinh triển khai thực hiện chính sách ba ranh giới đỏ - quy định giới hạn 70% đối với tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản của một nhà phát triển, giới hạn 100% trên tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu và tiền mặt để trang trải các khoản vay ngắn hạn - “kỹ năng tài chính” siêu việt không còn là liều thuốc chữa bách bệnh cho chi phí hoạt động ngày càng tăng của Evergrande.

Evergrande, từng là “gã khổng lồ” bất động sản hàng đầu của Trung Quốc, giờ đang chìm trong nợ nần.

Tỷ phú Hứa Gia Ấn sinh năm 1958 tại tỉnh Hà Nam. Năm 1993, ông Hứa Gia Ấn thành lập và làm chủ công ty Toàn Đạt tại Thâm Quyến. Năm 1996, ông đặt dấu mốc quan trọng khi thành lập Tập đoàn Evergrande.

Tới năm 2009, Evergrande lên sàn chứng khoán Hong Kong. Tập đoàn này nhanh chóng vươn mình trở thành doanh nghiệp bất động sản hàng đầu, bán được nhiều diện tích nhà nhất cả nước.

Tính đến nay, Evergrande đã phát triển.dự án bất động sản ở 280 thành phố. Năm 2020, tập đoàn này công bố đang sở hữu hơn 293 triệu mét vuông đất. Phần lớn các khu đất của Evergrande đều nằm ở các thành phố cấp một ở Trung Quốc, có trị giá tới 81,34 tỉ USD.