Tại phiên họp 68 năm 2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra quyết định lấy ngày 3/3 – Ngày kí công ước về buôn bán quốc tế các loài ĐVHD là Ngày ĐVHD thế giới nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bảo vệ các loài ĐVHD.
Với chủ đề “Mèo lớn – Thú săn mồi đang bị đe dọa”, Ngày ĐVHD thế giới năm nay là cơ hội để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những nguy cơ mà các loài mèo lớn đang phải đối mặt.
Các loài mèo lớn trên thế giới hiện nay bao gồm: hổ, sư tử, báo đốm, báo hoa mai, báo tuyết, báo săn, báo sư tử, báo gấm… đều được xem là biểu tượng cho sức mạnh và sự dũng mãnh. Sự biến đổi của các loài động vật ăn thịt ở đỉnh của hệ sinh thái như mèo lớn có thể điều chỉnh toàn bộ hệ thống. Do đó, các loài mèo lớn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học.
Tất cả các loài mèo lớn hiện nay trên thế giới đều được bảo vệ trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Tuy nhiên ngày nay, những loài này đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa mà phần lớn trong số đó gây ra bởi các hoạt động của con người. Số lượng các loài mèo lớn hiện đang suy giảm ở mức đáng báo động do mất môi trường sống, suy giảm nguồn thức ăn và hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép của con người.
Mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ tại Việt Nam là hoạt động săn bắn và buôn bán hổ trái phép. (Nguồn: ENV) |
Trong hai thập kỉ qua số lượng sư tử đã giảm 43%. Ngày nay sư tử cũng đã biến mất trên khoảng 90% những vùng lãnh thổ chúng đã từng xuất hiện. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì trong tương lai, con người sẽ không bao giờ còn có thể nhìn thấy hình bóng của những loài động vật săn mồi quyền uy này.
Việt Nam cũng là nơi cư trú của một số loài mèo lớn như hổ Đông Dương, báo hoa mai… Mặc dù được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất nhưng các loài này cũng đang phải đối mặt với không ít mối đe dọa. Đặc biệt, trong số 5 phân loài hổ còn lại, hổ Đông Dương là loài đối diện với nguy cơ tuyệt chủng lớn nhất.
Mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ tại Việt Nam là hoạt động săn bắn và buôn bán hổ trái phép. Hổ bị buôn bán phần lớn để lấy xương để bào chế các loại thuốc cổ truyền. Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên (ENV), tính đến hết năm 2017, có khoảng 202 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt ở 14 trang trại và vườn thú tư nhân trên cả nước.
Bên cạnh đó, quần thể hổ hoang dã của Việt Nam cũng bị đe dọa bởi việc mất môi trường sống mà nguyên nhân chính là do nạn chặt phá rừng cũng như sự suy giảm nghiêm trọng của nguồn thức ăn cho hổ như bò rừng, hươu nai… do các loài ĐVHD này cũng đang bị săn bắt ở mức đáng báo động.