Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Bình Nguyễn Thị Hương Giang (đứng đầu, bên phải) trong một lần kiểm tra mốc quốc giới số 543, tháng 1/2019. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Quảng Bình) |
Xin bà cho biết tình hình quản lý biên giới của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2021?
Giai đoạn 2016-2021, tuyến biên giới trên đất liền và trên biển của tỉnh Quảng Bình quản lý cơ bản ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới được giữ vững.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các biện pháp, tổ chức quản lý bảo vệ biên giới, vùng biển, cửa khẩu, cảng biển, khu vực biên giới theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi cũng duy trì, thực hiện nghiêm hai văn kiện pháp lý biên giới Việt Nam và Lào, bao gồm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Lào; Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào; thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới.
Những năm qua, chúng tôi đã làm tốt công tác bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, tích cực tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ quyền biển, đảo. Các lực lượng thường xuyên tổ chức tuần tra đơn phương, song phương bảo vệ nguyên trạng dấu hiệu hệ thống đường biên, mốc quốc giới; nắm chắc tình hình, phối hợp giải quyết tốt các vụ việc xảy ra góp phần giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Các sở, ngành, địa phương chủ động nắm, dự báo tình hình toàn diện, có chiều sâu về tình hình ngoại biên, khu vực biên giới và trên biển; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, tích cực tham mưu và phối hợp các cấp, các ngành, lực lượng liên quan xử lý hiệu quả âm mưu, ý đồ, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, sự cố môi trường biển,... để tuyên truyền, kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá, cản trở việc triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội trọng điểm của địa phương.
Tin liên quan |
Hà Giang: Tiềm năng thu hút đầu tư |
Chúng tôi cũng thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, vượt biên trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác, vận chuyển lâm, thổ sản và tài nguyên trái phép.
Những chủ trương, chính sách để đảm bảo an ninh biên giới, phát triển kinh tế thương mại giữa tỉnh Quảng Bình với các tỉnh giáp biên giới của Lào cụ thể như thế nào, thưa bà?
Quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới lãnh thổ quốc gia là trách nhiệm thiêng liêng và cao cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo công tác Biên giới tỉnh Quảng Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều nội dung, giải pháp cụ thể, căn cơ, sát với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tỉnh.
Căn cứ Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Lào; Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc; Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác biên giới Tỉnh, Sở Ngoại vụ đã luôn chủ động tham mưu thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ quốc gia trên địa bàn Tỉnh.
Tỉnh Quảng Bình có 2 cửa khẩu biên giới đất liền nối với tỉnh Khammouan (Khăm Muộn) theo quốc lộ 12A qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo-Nà Phàu và theo đường 20 qua Cửa khẩu phụ Cà Roòng-Noọng Ma. Cửa khẩu quốc tế Cha Lo được xác định là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam với các nước bạn, đồng thời là khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Hoạt động thương mại biên giới giữa tỉnh Quảng Bình và các tỉnh bạn Lào thuận lợi nhờ cơ chế chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương của hai nước như: Hiệp định Thương mại Biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào; Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới; Thông tư số 01/2018/TT-BCT ngày 27/2/2018 của Bộ Công Thương quy định chi tiết hàng hóa mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới của thương nhân…
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình đã luôn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật hiện đại vào quá trình công tác, bảo đảm vừa chặt chẽ, vừa thông thoáng tạo điều kiện cho người, phương tiện, hàng hóa lưu thông qua, lại biên giới, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Bà có thể cho biết hoạt động biên mậu của tỉnh Quảng Bình với các tỉnh giáp biên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19 như thế nào?
Từ tháng 3/2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Bình nói chung và hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu với nước bạn Lào nói riêng, cụ thể:
Tại cửa khẩu phụ Cà Roòng: thực hiện các quy định của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào về phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 01/4/2020 đến hết năm 2020 không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu. Đến năm 2021, Chính phủ Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh đã mở cửa khẩu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trở lại.
Tuy nhiên, phía Chính phủ Lào chỉ cho phép một doanh nghiệp nhập khẩu quặng barite từ Lào về Việt Nam, theo đó, 10 tháng đầu năm 2021 đã làm thủ tục cho 12 tờ khai với 800 tấn hàng hóa, trị giá đạt 69.023 USD. Đối với, hoạt động xuất nhập biên, cư dân biên giới qua lại thăm thân đã dừng từ tháng 3/2020 đến nay.
Tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo: Dịch Covid-19 đã tác động đến quy trình, thủ tục thông quan cho phương tiện, hàng hóa tại cửa khẩu. Thực hiện Thông báo số 102/TB-VPCP ngày 17/3/2020 của Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan ở cửa khẩu đã triển khai phương án thay đổi lái xe, đổi đầu kéo và Container để hàng hóa được thông quan nhanh chóng, không bị ùn tắc.
Ngoài ra, các cơ quan liên quan đã tăng cường thực hiện các giải pháp vừa tạo thuận lợi thương mại vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 như: đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng tối đa hệ thống công nghệ thông tin; thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; thay đổi phương thức hoạt động quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp qua môi trường mạng.
Hoạt động xuất nhập khẩu với nước bạn Lào năm 2020 đã tăng về số lượng tờ khai, giảm về khối lượng và kim ngạch so với năm 2019 (tờ khai: 7.111 tờ, tăng 10%; khối lượng: 1.581.941 tấn, giảm 5%; kim ngạch: 469.232.982 USD, giảm 32%). Hoạt động xuất nhập khẩu với nước bạn Lào 10 tháng đầu năm 2021 đã tăng về số lượng tờ khai, khối lượng và kim ngạch hàng hóa so với cùng kỳ năm 2020 (tờ khai: 7.394 tờ, tăng 28%; khối lượng: 2.182.591 tấn, tăng 1,1%; kim ngạch: 456.668.481 USD, tăng 14%).
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác biên giới tỉnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Bình Nguyễn Thị Hương Giang (hàng thứ nhất, người thứ 2 từ trái sang) khi còn là Phó Giám đốc Sở tham gia Đoàn công tác kiểm tra mốc giới số 568 tháng 6/2019. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Quảng Bình) |
Về công tác kiểm soát dịch bệnh tại khu vực biên giới, bà có thể cho biết công tác này đã được triển khai như thế nào trong thời gian qua?
Các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Bình đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân sự, An ninh và các cơ quan liên quan của hai tỉnh Khammouan (Khăm Muộn), Savannakhet (Sạ-vẳn-nạ-khệt) làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, bố trí các chốt chặn tại các đường mòn, lối mở, kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý các trường hợp vượt biên trái phép để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu đã tăng cường công tác nắm, đánh giá, dự báo sát đúng tình hình và giám sát chặt chẽ hơn; thành lập và duy trì thực hiện các tổ, chốt kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên cả hai tuyến biên giới của tỉnh, cao điểm có 77 tổ, chốt 254/đồng chí tham gia; thiết lập vùng cách ly xã hội trong khu vực biên giới; thành lập và duy trì hoạt động 7 điểm cách ly y tế tập trung, 2 chốt kiểm soát phòng chống dịch tại Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo; kiện toàn và bổ sung thành viên tham gia Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tại khu vực cửa khẩu.
Các lực lượng chức năng còn tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả việc xuất nhập cảnh trái phép, kiểm soát chặt chẽ người đi từ vùng dịch trở về, ra, vào khu vực biên giới; duy trì, phong tỏa nghiêm ngặt, dập dịch nhanh chóng tại khu vực có dịch thuộc địa bàn biên giới, góp phần khống chế dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Bà có thể chia sẻ về những nét văn hóa thu hút, những điểm đến ấn tượng của tỉnh Quảng Bình?
Quảng Bình được biết đến là một vùng đất có lịch sử lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu, độc đáo, gắn liền với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của cha ông ta.
Quảng Bình là miền đất của địa linh nhân kiệt, phong thủy hữu tình, nơi giao thoa, hội tụ của nhiều nền văn hóa. Ngoài ra, Quảng Bình được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng và giàu tài nguyên phát triển du lịch hàng đầu ở Việt Nam. Với lợi thế cạnh tranh và việc khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, thời gian qua, du lịch Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từng bước xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Bình an toàn và khác biệt.
Quảng Bình được định vị để phát triển trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm của châu Á, thiên đường khám phá và trải nghiệm, điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, trong đó nổi bật là hệ thống hang động tại vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng.
Với lợi thế trên, Quảng Bình hiện có các điểm đến ấn tượng về du lịch khám phá, mạo hiểm đẳng cấp quốc tế như Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới; hang Én lớn thứ ba thế giới; hang Va có hệ thống thạch nhũ độc đáo, hiếm có trên thế giới; hệ thống hang động Tú Làn; hang Đại Ả, hang Over, hang Pigmy - hang động lớn thứ tư thế giới…
Điểm đến về du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên hùng vỹ và kỳ thú như Suối nước Moọc, công viên Ozo, sông Chày - hang Tối, động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường… cũng là những địa điểm nổi tiếng, thu hút du khách hàng năm.
Ngoài ra, Quảng Bình có dải cát ven biển dài nhất Việt Nam (116km) với nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ, nước trong cát mịn như Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú, Đá Nhảy, Hải Ninh...
Quảng Bình là vùng đất giao thoa tiếp biến văn hóa trên hai chiều Bắc Nam và Đông Tây; trong lịch sử hình thành, đấu tranh dựng nước và giữ nước còn lưu giữ được nhiều di tích văn hóa lịch sử, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể rất thuận lợi để kết hợp phát triển nhiều loại hình du lịch.
Hiện nay, toàn tỉnh có 133 di tích được xếp hạng trong đó có 55 di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, 78 di tích cấp tỉnh.
Có hơn 70 lễ hội, trong đó có 6 lễ hội cấp Quốc gia: Hò khoan Lệ Thủy, Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang-Lệ Thủy, Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội đập trống của người Ma Cong-Bố Trạch, Lễ hội trỉa lúa-Quảng Ninh, Lễ hội Rằm tháng Ba-Minh Hóa.
Đặc biệt, Quảng Bình là một trong những tỉnh có nghệ thuật hát Ca trù của người Việt và nghệ thuật Bài chòi của miền Trung Việt Nam được công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Ngoài ra, Quảng Bình còn có hơn 16.000 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị thời tiền-sơ sử đang được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh. Với những giá trị văn hóa độc đáo đó, Quảng Bình cũng là điểm đến của du lịch văn hóa hấp dẫn.
| Tăng cường triển khai công tác bảo hộ công dân trong tình hình mới Trong những năm qua, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công ... |
| Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh tiếp Tổng Lãnh sự Pháp chào từ biệt Vừa qua, thay mặt Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Phước Anh đã tiếp ông Vincent Floreani, Tổng Lãnh ... |