Bất chấp đại dịch Covid-19, số lượng người siêu giàu trên thế giới vẫn tăng mạnh trong năm qua. (Ảnh: Shutterstock) |
Theo Báo cáo Thịnh vượng năm 2020 của Knight Frank, nhóm những người có tài sản ròng trên 30 triệu USD đã tăng 16% ở Trung Quốc trong năm 2020, tăng nhanh nhất thế giới. Thụy Sỹ đứng thứ hai với số lượng người siêu giàu tăng 11% trong năm qua. Tiếp đó là Singapore với mức tăng 10%.
Trong khi đó, số người siêu giàu của Hy Lạp lại giảm 1/3 do tác động của đại dịch.
Martin Wong - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn Trung Quốc đại lục của Knight Frank nói: "Trong 5 năm qua, số lượng người siêu giàu tại Trung Quốc đã tăng khoảng 137% và dự kiến sẽ tăng khoảng 46% trong 5 năm tới. Đến năm 2025, số lượng người siêu giàu của Trung Quốc sẽ đạt hơn 103.000 người, đưa nước này vững chắc ở vị trí thứ 2 về số lượng người siêu giàu trên thế giới".
Theo ông Wong, Mỹ hiện vẫn là nước có số người siêu giàu nhiều nhất thế giới, với hơn 180.000 người. Dự báo trong 5 năm tới, số lượng người siêu giàu tại Mỹ sẽ tăng khoảng 24%.
Báo cáo cho biết, chứng khoán hiện đang chiếm khoảng 1/4 trong danh mục đầu tư của giới siêu giàu. Đây là động lực chính giúp họ gia tăng tài sản trong năm qua.
Trong tháng 3 năm ngoái, hầu hết thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã giảm khoảng 30% nhưng sau đó đã nhanh chóng hồi phục, đặc biệt là tại Mỹ. Chẳng hạn như chỉ số S&P500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng tới 70%.
"Những ai tham gia thị trường trong thời điểm đó cũng đều thu lợi đáng kể", báo cáo cho biết.
Mặc dù nhiều thành phố của Trung Quốc đại lục lọt vào bảng xếp hạng siêu giàu nhưng không có một thành phố nào của nước này lọt được vào Top 10 thành phố giàu nhất thế giới. London, New York vẫn là hai thành phố tập trung nhiều người siêu giàu trên thế giới, tiếp đến là Paris.
Hong Kong (Trung Quốc) - thành phố đang có số lượng người siêu giàu lớn nhất ở Trung Quốc - hiện đứng ở vị trí thứ 5 trên toàn cầu. Trong khi đó, Bắc Kinh đứng thứ 11, Thượng Hải đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Theo ông Wong, chỉ số thịnh vượng của các thành phố được tính toán trên nhiều yếu tố khác nhau như tài sản, đầu tư và các dịch vụ sống đẳng cấp cho giới siêu giàu. Ở các thành phố khác nhau các chỉ tiêu này cũng khác nhau. Ví dụ các thành phố hàng đầu của Trung Quốc đại lục như Bắc Kinh và Thượng Hải đều nằm trong Top 10 về tài sản và phong cách sống nhưng cả hai thành phố này đều không nằm trong Top 10 về đầu tư.
"Chỉ số thấp về đầu tư cho thấy các thành phố này có số lượng các doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở tại đây tương đối thấp và vốn đầu tư trong nước nhỏ", ông Wong nói.
Mặc dù Paris luôn được coi là thủ phủ hàng hiệu của thế giới, nhưng Hong Kong mới thực sự là nơi lựa chọn của các nhãn hàng xa xỉ trên thế giới. Thành phố này có số lượng cửa hàng bán lẻ hàng hiệu lớn hơn cả thủ đô của Pháp, báo cáo cho biết.
Bất chấp những thay đổi trong cấu trúc của thị trường bán lẻ Hong Kong, nhưng thành phố này vẫn duy trì ngôi vương về mua sắm hàng xa xỉ.
"Trong tương lai, Hong Kong vẫn nằm trong số những thành phố dẫn đầu tiêu chí này, bất chấp sự thay đổi trong cấu trúc bán lẻ và các mô hình du lịch của thành phố", ông Wong nói.