Bà Ngô Thị Thu Hà cho rằng, bạo lực gia đình dù dưới dạng nào cũng để lại hậu quả vô cùng nặng nề. |
Vừa qua, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trong đó, một số ý kiến của đại biểu thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận như “chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; rồi “giận cá chém thớt”, giận dỗi vô cớ... cũng là hành vi bạo lực gia đình, làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về mặt tâm lý”. Theo quan điểm của bà, đó có phải là những hành vi bạo lực gia đình hay không?
Xét về mặt hậu quả, những hành vi này của một hay một số thành viên gia đình dù là nam hay nữ, dù cố ý hay không cố ý đều có thể gây tổn thương về mặt tâm lý đối với những thành viên còn lại. Đối chiếu với một số định nghĩa có liên quan thì đây chính là những hành vi bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì cả nạn nhân và người gây bạo lực đều không cho rằng những thái độ hay hành vi này là bạo lực gia đình cho đến khi có kiến thức về bạo lực gia đình hay bạo lực trên cơ sở giới.
Theo dõi truyền thông trong những ngày gần đây tôi thấy, dường như các đại biểu đang đề cập nhiều đến bạo lực gia đình trên cơ sở giới mà ít nói đến bạo lực gia đình đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật hay những thành viên gia đình có sự khác biệt về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, quan điểm, xuất thân gia đình, trình độ học vấn...
Số liệu trích từ Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ công bố năm 2020 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người từng bị ít nhất một hình thức bạo lực cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Mức 63,8% là tỷ lệ rất lớn và phản ánh một thực trạng đáng báo động. Con số này có làm bà giật mình?
Số liệu này chỉ ra rằng, bạo lực gia đình thực sự là một vấn nạn. Bản thân tôi đã tham gia một số dự án truyền thông và vận động để xóa bỏ bạo lực giới trong nhiều năm thì thấy con số trong báo cáo quốc gia được công bố năm 2020 cao hơn so với cách đây 10 năm. Tuy nhiên, tôi nhìn con số này dưới một số khía cạnh khác nhau.
Một mặt nào đó, số liệu tăng chưa chắc đã là một dấu hiệu xấu nếu do nhận thức về bình đẳng giới và bạo lực gia đình tăng hay các vụ bạo lực gia đình được đưa ra ánh sáng nhiều hơn dẫn đến việc nạn nhân dễ dàng thừa nhận mình bị bạo lực hay dễ dàng chia sẻ câu chuyện của mình hơn. Trong đó, có việc nhận biết được những hành vi được xem là bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, với những tranh luận gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội về việc các đại biểu nêu ý kiến về các hành vi bạo lực gia đình thì tôi cho rằng, con số này chưa chắc đã chính xác mà thực tế có thể cao hơn vì vẫn còn nhiều người cho rằng chỉ những hành vi đánh đập gây tổn hại về mặt thể chất mới là bạo lực.
Bà đánh giá như thế nào về hậu quả của những hành vi bạo lực gia đình?
Theo dõi những thảo luận trong nhiều năm, tôi thấy có nhiều số liệu thống kê hay nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em và cho thấy tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, không thể khẳng định không có nam giới hay người cao tuổi, người khuyết tật là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Bạo lực gia đình dù dưới dạng thể chất, tinh thần, kinh tế với bất kỳ thành viên nào dù họ là phụ nữ, nam giới, người cao tuổi, trẻ em hay người khuyết tật đều để lại hậu quả nặng nề về mặt thể xác và tâm lý. Đau đớn về mặt thể xác có thể điều trị và chữa khỏi trong thời gian ngắn nhưng đau đớn về mặt tinh thần có thể kéo dài đến suốt cuộc đời của một nạn nhân nếu không được hỗ trợ để chữa lành.
Bên cạnh đó, bạo lực gia đình còn có thể dẫn đến giảm năng suất lao động hay thiệt hại về kinh tế ở cả cấp độ cá nhân, gia đình hay quốc gia.
Bạo lực gia đình cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly thân, ly hôn và con cái không được quan tâm đúng mức. Những người chứng kiến hay là nạn nhân của bạo lực gia đình cũng có xu hướng sử dụng bạo lực ngay tại thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai.
Nhiều khi, một câu so sánh theo kiểu “con nhà người ta” hay “chồng, vợ nhà người ta” nhưng làm cho người bị so sánh cảm thấy tự ti hay bị tổn thương lâu dài. Đây là hành vi bạo lực làm cho nạn nhân cảm thấy mất đi lòng tự trọng hoặc cảm thấy bản thân vô giá trị.
Khi tôi nói chuyện với nhiều trẻ em thì thấy việc so sánh con mình với bạn bè, anh em của chúng vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều gia đình và làm cho đứa trẻ cảm thấy mình không được yêu thương, tôn trọng.
Theo tôi, nguyên nhân gốc rễ của bạo lực gia đình là mất cân bằng về mặt quyền lực giữa các thành viên gia đình và tư tưởng áp đặt của thành viên lên những thành viên khác.
Nhiều khi, một thành viên gia đình có thể sử dụng hành vi bạo lực gia đình hay sự áp đặt để thể hiện quyền lực của mình đối với các thành viên còn lại dù biết những lời nói, thái độ hay hành vi bạo lực của mình gây hại cho những người còn lại.
Bên cạnh đó, việc không có cảm thức về nhân phẩm hay thiếu kiến thức về quyền và tự do của bản thân và các thành viên gia đình cũng dễ làm cho một người có thể sử dụng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn hay sự khác biệt trong gia đình.
Nhiều người cho rằng chỉ những hành vi đánh đập gây tổn hại về mặt thể chất mới là bạo lực. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi quy định 18 hành vi bạo lực gia đình. Song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng vẫn cần nghiên cứu để nhận diện và quy định rõ hơn về những hành vi này. Còn ý kiến của bà thế nào?
Tôi cho rằng, khái niệm về bạo lực gia đình và các hành vi bạo lực gia đình được nêu ra trong bản dự thảo mà tôi được tiếp cận là chưa toàn diện. Dự thảo luật cho rằng, bạo lực gia đình là những hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình.
Tuy nhiên, xét về mặt hậu quả thì dù là hành vi cố ý hay không cố ý đều gây tổn hại. Hơn nữa, đây cũng là kẽ hở về mặt pháp lý để người gây bạo lực có thể chối tội khi cho rằng mình không hề cố ý.
"Nhiều khi, một câu so sánh theo kiểu 'con nhà người ta' hay 'chồng, vợ nhà người ta' nhưng làm cho người bị so sánh cảm thấy tự ti hay bị tổn thương lâu dài. Đây là hành vi bạo lực làm cho nạn nhân cảm thấy mất đi lòng tự trọng hoặc cảm thấy bản thân vô giá trị". |
Bên cạnh đó, danh sách các hành vi bạo lực gia đình quy định trong bản dự thảo tuy đầy đủ hơn so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành và xét về mặt nội hàm đã bao gồm những hành vi được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong các cuộc thảo luận tại tổ.
Nhưng theo tôi là chưa đủ và khó có thể đủ nếu sử dụng phương pháp liệt kê. Do đó, bên cạnh liệt kê hành vi thì còn xem xét về mặt hậu quả. Tuy nhiên, cần nhớ rằng nạn nhân bạo lực gia đình là một đối tượng rất yếu thế về mặt quyền lực và dễ bị thao túng nên khó có thể nói lên tình trạng bạo lực của mình và chứng minh thiệt hại, đặc biệt thiệt hại về mặt tinh thần.
Cần có quy định cụ thể nào về vai trò của cộng đồng để ngăn chặn bạo lực gia đình, theo bà?
Tôi cho rằng, dự thảo luật đã có nhiều quy định liên quan đến vai trò của cộng đồng từ truyền thông nâng cao nhận thức, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân và báo cáo các vụ việc bạo lực gia đình tới các cơ quan chức năng hay cá nhân có thẩm quyền. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm là việc thực thi trong thực tế.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành đã có hiệu lực 15 năm nhưng một số nghiên cứu vẫn chỉ ra rằng tỷ lệ nạn nhân tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng hay cộng đồng rất thấp. Trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng chỉ xem xét các vụ việc bạo lực thể chất có hậu quả nghiêm trọng.
Khi hòa giải, nhiều nạn nhân cho rằng mình bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình. Đối với bạo lực trẻ em, hàng xóm láng giềng không báo cáo vì cho rằng bố mẹ đánh đập, mắng chửi là giáo dục con cái.
Ở Việt Nam, dù đã có rất nhiều chính sách, quy định về bình đẳng giới và đã có những nỗ lực để thay đổi các thói quen mang tính truyền thống. Nhưng những định kiến đã thực sự thay đổi hay chưa và thay đổi đến mức độ nào, thưa bà?
Theo tôi, đã có nhiều thay đổi về khuôn mẫu, định kiến giới nhờ công tác truyền thông do nhiều bên thực hiện. Tuy nhiên, cũng nhiều phong trào, đề án hay sản phẩm truyền thông cần được điều chỉnh vì đã và đang củng cố khuôn mẫu, định kiến giới hay vật hoá cả phụ nữ và nam giới.
Tiếc rằng, mức độ lan toả của những phong trào, đề án hay hay sản phẩm truyền thông này rất rộng rãi vì được thực hiện bởi nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể, báo chí và người dân thông qua mạng xã hội. Chưa kể, bản thân giáo dục gia đình nếu không cẩn trọng cũng góp phần củng cố định kiến giới.
Xin cảm ơn bà!
| TS. Hoàng Trung Học: Cần cân nhắc việc đưa thông tin bạo lực học đường lên không gian mạng TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học đường, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, ... |
| Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo vụ bạo lực tại trường quốc tế UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT về vụ việc bạo lực liên quan học sinh tại Trường Quốc ... |