Một lớp học chữ Khmer tại Chùa Ô Chum, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. (Nguồn: TTXVN) |
Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào Khmer đông nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như cả nước; với hơn 400.000 người Khmer, chiếm khoảng 30% dân số của tỉnh. Nhằm nâng cao dân trí và góp phần giữ gìn, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 21/1/2015 và Quyết định số 399/QĐ-UBND ngày 3/1/2017 thành lập Ban Biên soạn, Ban Thẩm định và Chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Pali và Chương trình học sơ cấp Pali. Đồng thời, triển khai đồng bộ công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên giảng dạy tiếng Khmer để nâng cao chất lượng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn.
Hiện tỉnh có 10 trường Phổ thông dân tộc nội trú, với 3.300 học sinh theo học từ THCS đến THPT các trường đều có giảng dạy tiếng Khmer cho các em trong chương trình chính khóa. Riêng trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ trong tổng thể chương trình giảng dạy tại trường được chia thành chương trình phổ thông 75%, chương trình tiếng Khmer-Pali 25% từ lớp 6 đến lớp 12; trường tuyển sinh là tăng sinh từ các tỉnh khu vực Nam Bộ và một số tỉnh Đông Nam Bộ nhằm góp phần trong việc nâng cao trình độ cho các sư sãi và giữ gìn, bảo tồn tiếng nói, chữ viết Khmer của tỉnh.
Ngoài ra, trước tình hình thực tế là một số cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào Khmer nhưng lại không biết tiếng Khmer, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý, cũng như công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở vùng đồng bào Khmer, do đó, ngày 11/7/2019, tỉnh đã ban hành Đề án Đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đề án được triển khai trong 2 giai đoạn (giai đoạn 1 năm 2019-2020 và giai đoạn 2 năm 2021-2025), tập trung đào tạo 3 lớp là lớp tiếng Khmer căn bản, lớp nâng cao và lớp biên - phiên dịch.
Các vị sư Chùa Ô Chum dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc ở tại địa phương. (Nguồn: TTXVN) |
Thầy Lâm Nhưm - Hiệu trưởng trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ vừa là thành viên Ban chỉ đạo Đề án cho biết, trong giai đoạn 1, Đề án đã đào tạo tiếng Khmer cho hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Kết quả là học viên đã có thể giao tiếp, viết và đọc tiếng Khmer, phục vụ tốt hơn trong công việc. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Được hưởng lợi từ đề án, thầy Thạch Sâm Ha - giáo viên Trường THCS dân tộc nội trú Trần Đề chia sẻ: “Tôi dạy ở trường có học sinh là con em dân tộc nên rất cần biết tiếng Khmer để thuận lợi trong giao tiếp. Vì vậy, khi Tỉnh ủy có đề án là tôi tham gia học từ lớp căn bản đến lớp nâng cao. Bây giờ, tôi đã nói, đọc, viết được tiếng Khmer và biết dịch từ tiếng Việt sang tiếng Khmer và ngược lại. Bây giờ giao tiếp tiếng Khmer với các em học sinh, đồng nghiệp đều dễ dàng nên tiết học càng đạt chất lượng, hiệu quả”.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tổ chức sản xuất, phát sóng chương trình “Cùng học tiếng Khmer” trên Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng ở trình độ căn bản 87 bài và trình độ nâng cao, qua đó, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh và nhu cầu chung của xã hội.
Cùng với việc củng cố, gìn giữ văn hoá, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Khmer, Sóc Trăng đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào và từng bước giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống văn hoá, tinh thần cho đồng bào, bảo đảm tốt nhất các quyền con người, quyền công dân.
| Niềm vui dạy chữ viết dân tộc trong chùa Khmer ở Sóc Trăng Sóc Trăng hiện có 92 chùa Khmer, các chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào Khmer mà còn là nơi ... |
| Nhận diện hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh Trà Vinh là tỉnh ven biển, có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ... |
| Sóc Trăng rộn ràng ngày hội đua ghe ngo đồng bào Khmer Không biết từ bao giờ, đua ghe ngo (tiếng Khmer là Prònăng tuuk Ngôo) đã trở thành môn thể thao hấp dẫn không thể thiếu ... |
| Lâm Đồng giữ gìn văn hóa dân tộc thiểu số Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa có hiệu quả góp phần không nhỏ tạo nên những thành tựu trong phát triển ... |
| Những nghệ nhân giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Sóc Trăng luôn xác định bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là yếu tố không ... |