Một hoạt động chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh) |
Chương trình nằm trong khuôn khổ Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và tận dụng thời cơ để bứt phá từ đại dịch”.
Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh hiện rất sôi nổi, Nhà nước cũng đã có rất nhiều chủ trương cũng như các kế hoạch hành động cụ thể.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia khởi nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về nhu cầu vốn để hoàn thiện sản phẩm và phát triển thị trường. Phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục được TP. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm thực hiện nhằm hình thành cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có chất lượng cao.
Ngày hội tại TP. Hồ Chí Minh bao gồm rất nhiều các hoạt động ý nghĩa như: Hội nghị kết nối khởi nghiệp; đào tạo cho đoàn viên thanh niên, các doanh nghiệp startup về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tham quan mô hình khởi nghiệp thành công tại địa phương.
Tại Hội nghị kết nối khởi nghiệp, các chuyên gia, các chủ doanh nghiệp, các startup đã cùng trao đổi, tư vấn, nâng cao năng lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.
Hội nghị cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp startup mở rộng mạng lưới kết nối, qua đó học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ chuyên gia với các phiên chuyên đề tập trung vào thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp thông minh.
Các nhóm vấn đề chính tại Hội nghị được thiết kế xoay quanh các chủ đề: thủy hải sản, nông lâm nghiệp và nông nghiệp kết hợp với du lịch, logistic.
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực của các chuyên gia nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh.
"Phần đông doanh nghiệp hiện nay chưa quan tâm đến đầu tư công nghệ để bắt kịp cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Số liệu khảo sát năm 2017 được công bố cho thấy, trong tổng số 7.450 doanh nghiệp, chỉ có 464 doanh nghiệp khẳng định là có các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) chiếm 6,23%. Điều này có nghĩa rằng, đại bộ phận các doanh nghiệp chưa quan tâm đến các hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ", một chuyên gia cho biết.
Theo chuyên gia này, một rào cản rất lớn đối với đa số các nhóm khởi nghiệp trong nước là vấn đề ngôn ngữ. Trong khi đó, muốn gọi vốn quốc tế, hội nhập sân chơi chung với các nước khác, các doanh nghiệp phải cải thiện kỹ năng thuyết trình, cách chinh phục khách hàng, cách tiếp thị sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Các chuyên gia nhấn mạnh, yêu cầu tất yếu khi muốn phát triển thị trường khoa học công nghệ của TP. Hồ Chí Minh đó là phải hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ; thúc đẩy, kích cầu thị trường thông qua các biện pháp như xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ đối với các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực của thành phố; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo nguyên tắc lộ trình đổi mới công nghệ là công cụ liên kết giữa sản phẩm, công nghệ và thị trường...
Ngoài những phiên tọa đàm cùng các khách mời được xây dựng với nội dung chuyên sâu, phù hợp với đặc thù riêng, Ngày hội còn kết hợp các buổi tham quan mô hình khởi nghiệp cùng với sự tham gia của các lãnh đạo địa phương với mục tiêu lắng nghe những khó khăn và giúp đỡ các doanh nghiệp startup nông nghiệp còn non trẻ, giúp họ tập huấn nâng cao năng lực quản trị và làm kinh tế.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng tổ chức một không gian riêng dành cho các nhà đầu tư và startup có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu nhau, phần gọi vốn trực tiếp với các “Shark” là những nhà đầu tư tiềm năng, sẵn sàng đồng hành cùng các dự án chất lượng cao.