Tiết mục đồng ca "Quê hương" của 12 bạn nhỏ người Pháp dưới sự chỉ đạo của cô Hương Giang, giảng viên nhạc viện Versailles Grand Parc. (Nguồn: TTXVN) |
Buổi tối thứ tư cũng là buổi trình diễn tổng kết cho Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Versailles bắt đầu với chương trình biểu diễn nghệ thuật diễn ra sôi động với nhiều tiết mục mang đậm truyền thống của Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng ghi nhận và đánh giá cao ý nghĩa to lớn mà EPVN đã làm cho trẻ em Việt Nam. Đồng thời, bày tỏ sự xúc động và khẳng định sự kiện Tuần văn hóa Việt Nam tại Versailles đã góp phần xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp, truyền thống hai nước Việt Nam-Pháp, là hoạt động ý nghĩa quan trọng nhân dịp kỉ niệm hai nước kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm Đối tác chiến lược.
Thị trưởng Versailles François de Mazières nhấn mạnh, Tuần văn hoá Việt Nam tại Versailles đã thể hiện tinh thần đoàn kết, sự sáng tạo của cộng đồng người Việt Nam tại đây, góp phần gắn kết nhân dân hai nước, hai dân tộc. Ông bày tỏ sự xúc động khi EPVN đã tổ chức một Tuần lễ văn hóa rất ý nghĩa tại thành phố của ông. Hoạt động này đã góp phần gắn kết ngày càng khăng khít hơn quan hệ của nhân dân hai nước.
Đặc biệt hơn, tiết mục đồng ca Quê hương của 12 bạn nhỏ người Pháp dưới sự chỉ đạo của cô Hương Giang, giảng viên nhạc viện Versailles Grand Parc, đã đem đến nhiều rất nhiều cảm xúc bất ngờ và tán thưởng của khán giả.
Những tràng pháo tay kéo dài không ngớt thể hiện sự ngưỡng mộ đối với các bạn nhỏ người Pháp đã biểu diễn một cách thành thục, lôi cuốn các bài hát đồng dao của Việt Nam như Lý cây đa, Lý ngựa ô… Tiết mục của bé Xuân An, trình bày ca khúc Bonjour Viet Nam đầy cảm xúc đã gây ấn tượng mạnh với khán giả, đưa Việt Nam đến gần hơn với người dân Versailles.
Cô Hương Giang chia sẻ các bạn nhỏ Pháp rất háo hức vì được hát một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ. Giai điệu âm nhạc Việt Nam rất khác biệt với những bài hát mà các em quen hát, bởi sự du dương, mềm mại khiến các em rất hứng thú. Theo cô Hương Giang, mỗi người Việt Nam ở xa quê hương, dù ở đâu, trên cương vị công tác nào, cũng đều mong muốn trở thành một đại sứ cho đất nước của mình, mang văn hóa Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế.
Sau chương trình biểu diễn nghệ thuật, khán giả được tham quan không gian trưng bày bộ sưu tập của Alain Dussarps, chủ tịch Hiệp hội Hợp tác Kỹ thuật và Văn hóa Pháp (ACOTEC), một nhà hoạt động với nhiều dự án phát triển tại Việt Nam, với hơn 100 bộ trang phục và khăn, mũ đội đầu truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Nhiều người Việt Nam biết đến Alain Dussarps bởi từ năm 1986, khi còn là một kỹ sư điện, ông đã tiến hành hỗ trợ trong hoạt động tiêm chủng vaccine cho trẻ sơ sinh Việt Nam.
Nghệ sĩ Pháp biểu diễn đàn đàn thập lục tại Lễ hội. (Nguồn: TTXVN |
Màn trình diễn thời trang cũng thu hút sự quan tâm chú ý của khán giả với phần giới thiệu bộ sưu tập các thiết kế trang phục truyền thống của Việt Nam được tạo riêng cho Versailles của nhà thiết kế Nguyễn Mạnh Thắng, gây ấn tượng mạnh với khán giả Pháp.
Các bạn trẻ là sinh viên tại Versailles đã tự tin trình diễn những bộ áo dài truyền thống của các dân tộc Việt Nam, được nhà thiết kế thời trang Nguyễn Mạnh Thắng thiết kế một cách tỉ mỉ. Chính các bạn trẻ người Pháp này cũng tỏ ra rất yêu thích các bộ trang phục hết sức độc đáo và mới lạ với mình.
EPVN được thành lập vào tháng 12/2007 và có trụ sở chính tại Versailles. Hiệp hội được thành lập bởi các bậc cha mẹ mong muốn giúp đỡ trẻ mồ côi ở Việt Nam đồng thời duy trì, phát triển và củng cố quan hệ gắn kết Việt Nam và Pháp. Mục tiêu chính của EPVN là cải thiện điều kiện sống của trẻ em tại các trại trẻ mồ côi và các gia đình nghèo ở Việt Nam.
Vì mục đích này, các dự án khác nhau đã được phát triển với sự cộng tác của chính quyền địa phương và Hội Chữ thập đỏ. EPVN viện trợ nhân đạo bằng cách cung cấp thực phẩm bổ sung hoặc sữa cho trẻ sơ sinh; thực hiện các chiến dịch tiêm chủng và tổ chức các hoạt động y tế; cung cấp các sản phẩm vệ sinh và phát triển các chiến dịch nâng cao nhận thức trong lĩnh vực này.