📞

Sớm đề xuất mô hình mới kiểm soát chất lượng bác sĩ

17:30 | 26/09/2017
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi tới dự Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực y tế, ngày 26/9.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã chia sẻ những kinh nghiệm về bảo đảm chất lượng nhân lực y tế, trong đó hội đồng y khoa được coi là cơ chế quan trọng trong xây dựng và kiểm định tiêu chuẩn chương trình đào tạo, tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo y khoa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia đến từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã chia sẻ những kinh nghiệm về bảo đảm chất lượng nhân lực y tế.

Kinh nghiệm của các nước

Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo y tế cho biết hiện nay quy mô đào tạo y khoa của Việt Nam lớn, với 73 cơ sở, chỉ tiêu đào tạo hàng năm trên 106.000 sinh viên, học viên ở các trình độ, nhưng chưa gắn với nhu cầu và yêu cầu sử dụng của ngành y  tế. Nhiều trình độ đào tạo chưa phân định rõ, năng lực nghề nghiệp chưa gắn với vị trí việc làm. Chất lượng đầu vào và đầu ra của các cơ sở đào tạo không đồng đều, chưa được kiểm định độc lập. Từ đó dẫn đến nhân lực đầu vào của hệ thống y tế chưa được kiểm soát năng lực trước khi cấp chứng chỉ hành nghề.

“Thực tế này đặt ra là cần thành lập được một cơ quan hoặc tổ chức cơ quan chủ trì việc quản lý hành nghề y tế. Đồng thời xác lập cơ chế kiểm soát chất lượng, tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực nghề nghiệp cấp quốc gia để xét cấp chứng chỉ hành nghề”, ông Lợi nêu vấn đề.

Bác sĩ Susan Day, Phó Chủ tịch Cơ quan Kiểm định chất lượng giáo dục y khoa Hoa Kỳ cho biết các tổ chức đánh giá chất lượng đào tạo y khoa của Mỹ có tính độc lập, hoạt động phi lợi nhuận, không chịu kiểm soát của Chính phủ  mặc dù thẩm quyền do Chính phủ cấp. Việc thẩm định chất lượng đào tạo y khoa được thực hiện đối với các trường y, sinh viên y ở bậc đại học; đối với các bác sĩ nội trú và chương trình đào tạo nội trú ở bậc sau đại học thông qua các kỳ thi, cũng như việc đáp ứng các tiêu chuẩn.

“Quá trình xây dựng tiêu chuẩn đào tạo y khoa có sự tham gia của các cơ sở nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học, bác sĩ nội trú, đại diện công chúng… phản ánh nhu cầu đa dạng của xã hội. Các tiêu chuẩn này được định kỳ rà soát và chỉnh sửa nhằm đáp ứng, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế/tiêu chuẩn toàn cầu”, bà Susan Day cho biết.

Còn trong điều kiện có nhiều tương đồng với Việt Nam, các chuyên gia Trung Quốc, Thái Lan đề cập đến vai trò quan trọng của việc phải chuẩn hoá các chương trình đào tạo, tổ chức kiểm định, tiến hành các kỳ thi đầu ra đối với các bác sĩ trước khi hành nghề.

Còn đối với một nước có trình độ phát triển cao như Nhật Bản, bác sĩ Mitsuhiro Ushio, chuyên gia tư vấn chính sách của Bộ Y tế cho biết việc bảo đảm chất lượng đào tạo y khoa được thực hiện nghiêm ngặt thông qua các kỳ thi quốc gia bắt đầu từ năm 1946.

“Về cơ bản chúng ta cần có một tổ chức được Chính phủ uỷ quyền để đưa ra các tiêu chuẩn mang tính chất “đặt hàng” và kiểm định chất lượng sản phẩm đầu ra nhằm đáp ứng các yêu  cầu chăm sóc sức khoẻ thực tế tại Việt Nam”, Bác sĩ Mitsuhiro Ushio khuyến cáo.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho rằng các chương trình đào tạo y khoa ở Việt Nam hiện nay chưa theo chuẩn. “Chúng ta cũng chưa thể đánh giá chương trình đào tạo có đạt chuẩn hay không. Sinh viên tốt nghiệp có đáp ứng được yêu cầu chuyên môn hay không”.

Hiện nay, Bộ Y tế mới bắt đầu xây dựng chuẩn đào tạo cho ngành Sản khoa và Ngoại khoa để xây dựng, chuẩn hoá chương trình đào tạo, môi trường thực hành… làm cơ sở kiểm định chất lượng.

Không thể không chuẩn hoá

Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian qua hệ thống giáo dục đại học, trong đó có đào tạo y khoa, của Việt Nam đã có những bước đổi mới ban đầu thông qua việc xây dựng và ban hành hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia…

Đáng chú ý, sau thời gian chuẩn bị, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành một nghị định dành riêng cho hệ thống đào tạo y khoa trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu đào tạo kiến thức cơ bản, rồi đến bác sĩ đa khoa có thể phục vụ cho công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tiếp đến là đào tạo thực hành chuyên khoa. Nhất là quy định điều kiện các cơ sở bệnh viện có quyền lợi, trách nhiệm tham gia vào công tác đào tạo thực hành…

“Nghề y là một nghề đặc biệt phải được tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ đặc biệt, nhất là trong điều kiện của Việt Na, số lượng bác sĩ, điều dưỡng còn thiếu nhưng trình độ chuyên môn từ kiến thức lý thuyết chung đến thực hành, đạo đức nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa kể tình trạng các bệnh viện ở Hà Nội, TPHCM thừa bác sĩ đợi việc song bệnh viện các tỉnh rất thiếu. Để giải quyết hài hoà mâu thuẫn này phải có lộ trình từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo y khoa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với chủ trương đổi mới chương trình giáo dục đại học và cả dạy nghề phải có kiểm định, Phó Thủ tướng lưu ý cần tập trung kiểm định từng chương trình đào tạo y khoa thay vì kiểm định chung cả trường.

“Cả nước có 4 trung tâm kiểm định đại học nhưng chưa trung tâm nào đủ năng lực, ‘dũng cảm’ để kiểm định đào tạo y khoa, vì vậy việc đầu tiên là phải có trung tâm kiểm định riêng về đào tạo y khoa.  Đây là trách nhiệm và hoàn toàn nằm trong khả năng của Bộ Y tế, Tổng hội Y học và cả câu lạc bộ các trường đại học y. Chúng ta cần tận dụng sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước để xây dựng các chuẩn chương trình phù hợp với thực tiễn Việt Nam, sau đó tiến hành kiểm định”.

Về mô hình hội đồng y khoa, Phó Thủ tướng đánh giá các ý kiến nêu ra tại hội thảo cho thấy đây là xu hướng chung đã được nhiều nước tên thế giới áp dụng từng hàng chục năm nay. Tại khu vực ASEAN hiện chỉ có Việt Nam và Brunei chưa có mô hình này.

Theo Phó Thủ tướng, qua nhiều hội thảo, các ý kiến trao đổi đã thấy rõ sự cần thiết phải có một tổ chức như hội đồng y khoa nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo y khoa. Đây là tổ chức được nhà nước uỷ quyền nhưng độc lập, hoạt động phi lợi nhuận với sự tham gia của những người làm công tác đào tạo, bác sĩ khám chữa bệnh, đại diện cơ quan quản lý, người thụ hưởng dịch vụ y tế…

Vì vậy, mô hình hội đồng y khoa của các nước rất cần được tham khảo đối với Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta phải đặt ra.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Tổng hội Y học xây dựng đề án thành lập cơ quan này phù hợp với tình hình thế giới và điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Trong đó có các khuyến nghị cụ thể về việc lập ra tổ chức chứng nhận chất lượng đào tạo bác sĩ thông qua các kỳ thi.

“Sắp tới, Trung ương bàn đề án về y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, và đào tạo y khoa là một điểm trong đề án. Chúng ta đang có cơ hội đổi mới đào tạo y khoa một cách căn bản.

Đây là một việc rất lớn. Đổi mới hệ thống đào tạo y khoa phải sau 10-15 năm mới thấy được thành quả nhưng nếu bây giờ chúng ta không làm, cứ lùi thì sau này rất nguy hiểm”, Phó Thủ tướng nói.