Ai trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ cũng sẽ tác động nhất định tới chính sách của Washington với khu vực Đông Bắc Á. (Nguồn: Reuters). |
Chỉ hơn hai tháng nữa, nước Mỹ sẽ tìm ra nhà lãnh đạo mới - đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris hoặc cựu Tổng thống Donald Trump. Các nhà phân tích từ Tokyo, Seoul tới Bình Nhưỡng đang theo dõi sát sao cuộc đua khó dự đoán này để dự báo chiều hướng tác động đối với khu vực.
Cá tính khác biệt
Một câu hỏi đang rất được quan tâm là ai sẽ được chọn cho thành phần nội các của ông Trump và bà Harris khi họ trở thành tổng thống. Đối với ông Trump, những nhân vật có thể được bổ nhiệm sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của Washington, đặc biệt là các vị trí như Cố vấn an ninh quốc gia, Ngoại trưởng hay Đại diện thương mại Mỹ.
Một số ứng viên hàng đầu thể hiện rõ xu hướng bảo thủ theo tinh thần "Nước Mỹ trên hết" có thể được ông Trump để mắt. Ví dụ, cựu Đại diện Thương mại Robert Lighthizer (ứng viên Bộ trưởng Tài chính) là người chủ trương chính sách "thương mại cân bằng" của Mỹ với các đối tác thương mại (đàm phán lại NAFTA, áp thuế đối với Trung Quốc và đóng băng Cơ quan phúc thẩm của WTO bằng cách ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán mới). Một ứng viên khác có xu hướng dành ưu tiên vào vấn đề cạnh tranh với Trung Quốc cũng có thể được lựa chọn cho ghế Cố vấn An ninh quốc gia như Elbridge Colby, người từng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời ông Trump.
Nếu đắc cử, phong cách lãnh đạo phi truyền thống, khó đoán định của ông Trump có thể ảnh hưởng đến cách tiếp cận của Mỹ với các đồng minh và vấn đề Triều Tiên. Hơn nữa, mong muốn của cựu Tổng thống trong việc để lại một "di sản" hoặc dấu ấn ngoại giao trong nhiệm kỳ Tổng thống cuối cùng có thể tạo động lực lớn hơn cho những chương trình hòa bình hay những thỏa thuận song phương có ý nghĩa quan trọng.
Trái lại, nếu bà Harris trở thành nữ chủ nhân Nhà Trắng, với phong cách “lãnh đạo tập thể” thận trọng sẽ có xu hướng bám sát chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ, bao gồm việc duy trì các liên minh quốc tế, bảo vệ các chuẩn mực và luật lệ toàn cầu và ưu tiên thúc đẩy hợp tác đa phương.
Với phần lớn sự nghiệp gắn với lĩnh vực tư pháp, bà Harris có thể có những hạn chế nhất định về kinh nghiệm đối ngoại. Với vai trò Phó tướng cho Tổng thống Joe Biden, dấu ấn trong việc định hình chính sách đối ngoại của bà Harris là không đáng kể. Thực tế này có thể sẽ khiến bà Harris phụ thuộc vào các cố vấn, phần lớn là những người có lối tiếp cận truyền thống.
Bà Harris được dự đoán sẽ giữ phần lớn những quan chức dưới thời Biden và bổ nhiệm các cố vấn riêng hiện tại. Các cố vấn an ninh quốc gia của bà Harris hiện nay là Philip Gordon hay Rebecca Lissner được cho là những người theo “chủ nghĩa truyền thống” và “chủ nghĩa quốc tế”, do vậy cách tiếp cận trong các vấn đề đối ngoại có thể sẽ tiếp nối những đời tổng thống trước đây của đảng Dân chủ.
Từ bên ngoài, vai trò của Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục là yếu tố tác động đến tính toán của Nhà Trắng. Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đây sẽ là một trong các yếu tố gắn kết liên minh Mỹ - Nhật - Hàn. Bên cạnh đó, chương trình hạt nhân và các hoạt động quân sự của Triều Tiên cũng là những yếu tố không thể bỏ qua trong việc hoạch định chính sách đối với khu vực Đông Bắc Á của bất cứ tổng thống Mỹ nào. Nhất là trong bối cảnh quan hệ Nhật - Hàn được cải thiện dưới thời Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thống Yoon Suk Yeol, đặc biệt với mục tiêu giải quyết mối quan tâm an ninh chung là Triều Tiên, cũng có thể giúp thúc đẩy bộ ba Mỹ - Nhật - Hàn khăng khít hơn.
Vấn đề Triều Tiên
Nếu đắc cử, ông Trump nhiều khả năng sẽ thúc đẩy quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, với mong muốn trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên giải quyết dứt điểm được vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Dù vậy, tham vọng này của ông Donald Trump khó có thể trở thành hiện thực. Ông Trump có thể đạt được một số thỏa thuận mang tính biểu tượng như tuyên bố hướng tới phi hạt nhân hoá, Triều Tiên tạm dừng thử nghiệm đầu đạn hạt nhân và phóng tên lửa…, nhưng ít có khả năng buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, bà Harris được cho là sẽ duy trì quan điểm cứng rắn từ thời chính quyền Biden đối với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và sẽ ưu tiên hợp tác với các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản và các diễn đàn khu vực, quốc tế để giải quyết vấn đề này. Bà Harris có thể cũng sẽ nối lại đàm phán Mỹ - Triều nhưng sẽ không phải là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un nếu Bình Nhưỡng không đưa ra các cam kết cụ thể.
Để khắc phục việc kinh nghiệm trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, bà Harris có thể sẽ ủy quyền cho các nhà ngoại giao Mỹ làm việc với Triều Tiên để đạt được kết quả cụ thể trong vấn đề phi hạt nhân hoá. Bên cạnh đó, bà Harris cũng có thể cân nhắc giảm nhẹ trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng để hỗ trợ cải thiện đời sống người dân Triều Tiên và đổi lại, Triều Tiên phải có những hành động “có thể xác thực được” trong tiến trình phi hạt nhân hoá. Điều này là có cơ sở bởi như những gì bà Harris từng phát biểu trước đây, trong đó có trả lời phỏng vấn Hội đồng đối ngoại Mỹ hồi năm 2019.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Trại David, Washington, ngày 18/8/2023. (Nguồn: Reuters) |
Quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn
Với chính sách “nước Mỹ trên hết”, ông Trump có thể gây áp lực buộc Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường chia sẻ gánh nặng an ninh và nâng cao nội lực quốc phòng, giữ vai trò chủ động hơn trong cấu trúc an ninh khu vực. Điều này vô hình trung giúp Nhật Bản và Hàn Quốc có thêm động lực thúc đẩy hợp tác song phương, giúp quan hệ giữa hai nước tiếp tục ấm lên.
Bên cạnh đó, vì cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có mức thặng dư thương mại với Mỹ thuộc top đầu, hai quốc gia có thể lọt vào “tầm ngắm” của ông Trump. Ông Trump có thể tìm cách đàm phán lại FTA với Hàn Quốc để thay đổi cán cân thương mại theo hướng có lợi cho Mỹ.
Trong nhiệm kỳ Phó Tổng thống, theo thống kê của ABC News, 4 trong số 17 chuyến đi nước ngoài của bà Harris là đến Đông Á. Bà đã đến thăm 7 quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Khu phi quân sự liên Triều. Trong những chuyến đi này, Washington đã khẳng định cam kết với các đồng minh nhằm đảm bảo sự ổn định an ninh trong khu vực, đồng thời hàn gắn mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo.
Thế chân kiềng quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn nếu bà Harris trúng cử, có thể sẽ tiếp tục xu hướng củng cố thêm với các liên minh song phương Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn và thúc đẩy hợp tác ba bên nhằm xử lý các mối quan tâm tại khu vực Đông Bắc Á. Khác với ông Trump, bà Harris có thể sẽ tránh hướng tiếp cận mang tính "giao dịch" trong quan hệ song phương với Tokyo và Seoul, thay vào đó sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự để giải quyết vấn đề an ninh khu vực và duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”.
Cho đến nay, Washington vẫn không có ý định tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng nếu trúng cử, bà Harris có thể vẫn sẽ thắt chặt quan hệ thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc để tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong lĩnh vực kinh tế tại khu vực.
Dù ông Trump hay bà Harris đắc cử, nước Mỹ cũng sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy các cơ chế hợp tác nhóm - tiểu đa phương từ thời Tổng thống Biden. Theo Reuters, ngay trong các chiến dịch tranh cử, các cố vấn của ông Trump đã chuyển tới Seoul và Tokyo thông điệp rằng cựu Tổng thống sẽ ủng hộ nỗ lực tăng cường quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn. Trong khi đó, nhóm vận động tranh cử của bà Harris cũng bắn đi tín hiệu sẽ tận dụng hợp tác với các đồng minh để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Một điểm chung khác của chính quyền Trump và chính quyền Harris trong tương lại được cho là các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời kêu gọi các đồng minh thực hiện các chính sách hạn chế tương tự. Từ đó, “liên minh” Chip 4 có thể được thổi làn gió mới trong cả hai trường hợp. Dù vậy, khả năng chính sách bảo hộ của ông Trump sẽ là nhân tố nghịch đối với cơ chế hợp tác này.
Tựu trung, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay không chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ mà còn tác động mạnh mẽ đến cấu trúc an ninh và quan hệ quốc tế tại Đông Bắc Á. Dù ứng viên nào trở thành chủ nhân Nhà Trắng cũng sẽ tạo ra những thách thức và cơ hội mới cho khu vực trong bối cảnh tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp và nhiều biến động.