📞

Sống động lễ hội Nhật Bản

07:18 | 02/03/2009
Những lễ hội đầy bản sắc tại từng địa phương ở Nhật Bản không chỉ tạo ra sân chơi cho giới trẻ mà còn thu hút đông đảo du khách...
Thật thú vị khi hòa mình trong dòng người rực rỡ sắc màu...

Ngày nay, tính thiêng liêng, huyền bí của tôn giáo ở Nhật Bản thể hiện không còn đậm nét. Yếu tố tâm linh và cách sống công nghiệp tạo ra những nét sinh hoạt lễ hội đặc trưng. Phần “lễ”, “cúng” hay “rước” được thu gọn trong phạm vi đền, chùa nhưng phần “hội” lại được chú trọng và tổ chức khá quy mô, trở thành một hoạt động văn hóa đặc sắc với sự tham gia của đông đảo cộng đồng địa phương.

 

Cùng hòa nhịp trống, chuông

 

Ở Nhật Bản, từ cấp xã (khu phố) đến huyện, quận đều có những tổ chức Bảo tồn văn hoá địa phương, Hội nghiên cứu về múa truyền thống. Đến đất nước mặt trời mọc này, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi được chứng kiến nhiều hoạt động tưng bừng diễn ra trên khắp đường phố, với xe hoa được trang trí tỉ mỉ theo truyền thuyết dân gian địa phương. Sẽ thật thú vị nếu bạn được hòa vào đoàn người đông đảo trong những chiếc áo yukata độc đáo, nhảy múa thật nhịp nhàng và đẹp mắt nối đuôi nhau suốt một quãng đường dài trong ngày lễ Nebuta ở thành phố Aomosi phía Bắc hay hàng vạn thanh niên mặc quần chẽn đầu bịt khăn vạm vỡ nhảy theo điệu Awa trong lễ múa Awa-odori ở Tokushima. Họ tung chân, uốn tay như cưỡi sóng trên biển theo điệu chuông, trống nhịp nhàng. Hàng ngàn trai tráng mình trần trong làng vác kiệu nặng 2-5 tấn chạy khắp phố phường trong lễ hội Fakugawa Hachiman ở Tokyo...

 

Tính cộng đồng của hoạt động lễ hội ở Nhật Bản rất cao, tạo nên một nét văn hoá rất đặc sắc góp phần gìn giữ truyền thống hiệu quả. Những lễ hội như vậy không phải dành cho thế hệ lớn tuổi, mà điều đáng ngạc nhiên là lứa tuổi thanh niên từ 18-30 tuổi là thành phần tham gia chủ yếu. Đây được xem như một “sân chơi” của giới trẻ.

 

Tôn vinh văn hóa cội nguồn

 

Tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá ở Nhật Bản quá nhanh kể từ khi Nhật bước vào thời kỳ phát triển kinh tế “thần kỳ” đầu thập niên 1960 khiến số người rời làng quê ra thành thị ngày càng đông đảo. Văn hoá lễ hội đã được xây dựng ngay trên vùng đất mới, cộng đồng dân thị thành vẫn tìm cách lập ra các hội đồng hương, tổ chức gìn giữ văn hoá bằng các loại hình sinh hoạt lễ hội ngay tại đó, thành hội bảo tồn văn hoá của từng khu phố.

 

Văn hoá Âu - Mỹ xâm nhập vào xã hội Nhật Bản mạnh mẽ, tạo ra những lối sống mới trong giao lưu, ảnh hưởng tới tinh thần và đời sống người Nhật khá đậm nét, nhất là đối với giới trẻ. Nhưng cũng thật ngạc nhiên bởi họ biết trân trọng và gìn giữ văn hoá truyền thống của dân tộc hết sức sâu sắc, tự hào về văn hoá và lễ hội mà con người Nhật Bản đã vun đắp mấy trăm năm qua.

 

Tắm mình trong rượu sake để được “thanh khiết” trước khi bước vào lễ hội và trong hương thơm ấy, lòng họ say trong nhịp điệu để rồi kết thúc với ly rượu tràn đầy chúc tụng nhau hẹn ngày này sang năm.

 

Nhà nghiên cứu về lễ hội Nhật Bản, GS. Ota Masahiro cho biết: “Matsuri (lễ hội) ở Nhật Bản là nhân tố nếu trước đây là để gắn bó cộng đồng thì ngày nay chính là động lực đem lại sức sống và thu nhập cho khu phố”. Những lễ hội này thu hút đến hàng triệu người như lễ hội Tenjin ở Osaka hay mùa lễ hội Nebuta và Tanabata. Đây cũng là một phương thức kích cầu hiệu quả bên cạnh việc gìn giữ truyền thống văn hoá.

 

Mặt khác, hình thái lễ hội của Nhật Bản không phải là một hoạt động văn hoá “hoài cổ” hay mang tính chất “tạp lục” kết hợp hoặc chắp vá mà là kết quả của những công trình nghiên cứu về dân tộc học khá nghiêm túc, tạo ra từng sắc thái riêng của văn hoá địa phương thể hiện một trình độ dân trí cao, có ý thức cùng hun đúc và làm giàu cho nền văn hoá có bản sắc rất riêng của người Nhật Bản.

 

Lê Kết