Việc cựu Thủ tướng Imran Khan (ảnh) bị bắt giữ là một bước ngoặt quan trọng trong làn sóng bất ổn tại Pakistan. (Nguồn: Reuters) |
Ngạn ngữ Pakistan có câu: “Chia rẽ là nguồn cơn của sự tàn phá”. Đó có lẽ chính xác là những gì đang diễn ra tại đất nước Nam Á trong 48 giờ vừa qua và xa hơn, trong hơn một năm trở lại đây.
“Địa chấn” tại Islamabad
Chiều ngày 9/5, Pakistan rúng động khi cựu Thủ tướng Imran Khan, người đã từ nhiệm sau thất bại trong bỏ phiếu tín nhiệm tháng 4/2022, bất ngờ bị bắt giữ với cáo buộc tham nhũng. Tối cùng ngày, Tòa án tối cao Islamabad tuyên bố vụ bắt giữ là “hợp hiến”. Hiện đội ngũ pháp lý của chính trị gia này đang “tham khảo với lãnh đạo đảng để tìm hướng đi phù hợp sắp tới”.
Tuy nhiên, ngay cả hoàn cảnh dẫn đến sự kiện này cũng gây tranh cãi. Theo đó, khi chuẩn bị hầu tòa tại Islamabad nhằm giải trình về một số cáo buộc pháp lý, cựu lãnh đạo Pakistan đã bị bắt giữ ngay trong tòa án. Các đoạn video ngắn trên Twitter cho thấy lực lượng bán quân sự thuộc Cơ quan Giải trình Trách nhiệm Quốc gia (NAB), với các khí tài chống bạo động đã nhanh chóng áp giải ông Imran Khan trước sự phản đối của một số người ủng hộ chính trị gia này.
Cảnh sát Islamabad cho biết, ông Khan bị bắt vì có liên quan tới vụ biển thủ tại Quỹ Đại học al-Qadir cùng vợ là bà Bushra Bibi. Theo Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rana Sanaullah, cựu Thủ tướng đã từng từ chối trình diện theo đề nghị của NAB ngày 1/5 về cáo buộc tham nhũng, với số tiền có thể lên 239 triệu USD. Ông nhấn mạnh, NAB là một “cơ chế độc lập” và việc bắt giữ ông Khan “được tiến hành theo pháp luật.” Quan chức này phủ nhận thông tin ông Khan phải chịu các hành vi thô bạo lúc bị bắt giữ.
Lực lượng bán quân sự áp giải ông Khan trước sự phản đối của những người ủng hộ chính trị gia này. (Nguồn: AP) |
Về phần mình, lãnh đạo đảng PTI đối lập, ông Hammad Azhar cho biết, vụ bắt người đứng đầu đảng này diễn ra một cách bạo lực. Trong khi đó, ông Gohar Ali Khan, luật sư của cựu Thủ tướng tại phiên tòa khẳng định chính trị gia này đã bị “đá, đánh vào đầu và xịt hơi cay” trước khi bị áp giải ra ô tô.
Người phát ngôn của cựu Thủ tướng, ông Raoof Hasan cho biết, việc bắt giữ ngay trước khi phiên tòa bắt đầu đã “vi phạm mọi đạo luật”. Cựu Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi gọi vụ việc này là “phạm pháp”.
Ngay sau đó, bạo loạn đã diễn ra tại nhiều nơi trên khắp Pakistan. Hàng nghìn người ủng hộ chính trị gia đảng PTI xuống đường thể hiện sự ủng hộ ông Khan tại Islamabad, Karachi, Lahore, Peshawar. Tại Anh, những người đã vẫy cờ phản đối vụ bắt giữ chính trị gia này bên ngoài trụ sở Cao ủy Pakistan tại London.
Trước tình hình đó, giới chức Pakistan nhanh chóng phản ứng. Tại Karachi và Lahore, cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông. Bang Punjab đã áp đặt lệnh cấm tuần hành. Bộ Nội vụ tạm thời hạn chế quyền truy cập vào các mạng xã hội để ngăn tuần hành lan rộng. Các trường tư nhân đóng cửa ngày 10/5.
Nhận định về tình hình, ông Zeeshan Salahuddin, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm nghiên cứu và an ninh tại Islamabad cho rằng “rất khó đoán liệu đất nước này sẽ đi về đâu trong 12-48 giờ tới”, với sự “bất định ở thời điểm hiện tại”.
Những người ủng hộ PTI và ông Khan đụng độ với cảnh sát tại Lahore, quê hương của chính trị gia này ngày 9/5. (Nguồn: AP) |
Cơn bão nguy hiểm
Câu chuyện về việc bắt giữ ông Imran Khan đã được truyền thông nước này đồn đại từ lâu.
Những người ủng hộ đã lo lắng kịch bản này xảy ra một khi cựu Thủ tướng Pakistan trình diện trước tòa. Bản thân ông Khan dường như cũng cảm nhận được. Trong đoạn video trước khi tới trình diện tòa ngày 9/5, cựu Thủ tướng Pakistan khẳng định: “Không cần phải điều động cảnh sát, cơ động hay quân đội đến để bắt tôi. Nếu như ai đó có lệnh bắt, hãy đưa cho tôi và đội ngũ pháp lý. Tôi sẽ tự tới trình diện. Tôi sẵn sàng bị bắt”.
Thực tế cho thấy, cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan và chính quyền kế nhiệm mâu thuẫn sâu sắc. Tháng 10/2022, với cáo buộc về “có hành động không minh bạch”, Ủy ban bầu cử Pakistan tước bỏ tư cách nghị sĩ Quốc hội của ông. Ngày 3/11/2022, chính trị gia này bị bắn vào chân trong cuộc tuần hành quy mô lớn từ Lahore nhằm phản đối chính quyền đương nhiệm. Mới đây, ngày 18/3, cảnh sát tiến hành lục soát dinh thự của ông với cáo buộc khủng bố và tham nhũng, gây nên nhiều cuộc đụng độ với những người ủng hộ.
Đó là chưa kể hàng loạt cuộc “đấu khẩu” trên mạng xã hội giữa cựu lãnh đạo Pakistan và Thủ tướng đương nhiệm Shehbaz Sharif, người cho rằng chính trị gia PTI đã nỗ lực “đảo ngược hệ thống tư pháp và chính trị” tại quốc gia Nam Á này.
“Không cần phải điều động cảnh sát, Cơ động hay quân đội đến để bắt tôi. Nếu như ai đó có lệnh bắt, hãy đưa cho tôi và đội ngũ pháp lý. Tôi sẽ tự tới trình diện. Tôi sẵn sàng bị bắt giam.” - Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan phát biểu trong đoạn video trước khi bị bắt ngày 9/5. |
Trên thực tế, Al-Jaazera (Saudi Arabia) cho rằng, những diễn biến vừa qua phản ánh sự đối đầu ngày càng gay gắt giữa hai thế lực chủ chốt tại Pakistan, với một bên là quân đội và bên còn lại là PTI. Người phát ngôn của cựu Thủ tướng Pakistan, ông Raoof Hasan nhận định, lực lượng bán quân sự bắt giữ ông Imran Khan “được kiểm soát bởi một thế lực khác đứng trên pháp luật của nước này”.
Trong khi đó, nhà phân tích Benazir Shah cho rằng, từ quá khứ, NAB đã được quân đội sử dụng để loại bỏ các chính trị gia và “truyền thống đang tiếp diễn”. Về phần mình, trả lời Al-Jaazera, nhà quan sát chính trị Muhammad Faisal đánh giá: “Một lần nữa, tình hình tại Pakistan đang trầm trọng thêm sau cuộc đối đầu chính trị, vũ lực giữa PTI và quân đội tại tỉnh đông dân nhất nước này trở nên ngày một căng thẳng”.
Chia rẽ, đối đầu tiếp tục là “cơn bão” nguy hiểm, khiến các nỗ lực duy trì hòa bình, phát triển tại đất nước Nam Á này khó càng thêm khó.