Các số liệu gần đây cũng cho thấy, tình hình kinh tế Nga đã trở nên xấu hơn đáng kể. (Nguồn: AFP) |
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, quốc gia này đã cố gắng tránh được những tác động kinh tế tồi tệ nhất từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự tháo chạy của các công ty.
Giá dầu và khí đốt tăng cao, cũng như các biện pháp kiểm soát vốn do chính phủ áp đặt đã giúp kinh tế trụ vững và đồng nội tệ tăng giá.
Tuy nhiên, đã có một sự suy giảm rõ rệt kể từ tháng 9.
Nghiên cứu từ Ngân hàng Trung ương Nga cho hay, nền kinh tế quốc gia trở nên xấu đi rõ rệt trong tháng 9, "với những dấu hiệu ban đầu về sự suy thoái xuất hiện vào cuối tháng", do nguồn cung/cầu đều giảm và lạm phát tăng.
Các số liệu gần đây cũng cho thấy, tình hình kinh tế Nga xấu hơn đáng kể. Số liệu do Bộ Tài chính Nga công bố tuần trước cho hay, doanh thu thuế từ lĩnh vực phi dầu mỏ và khí đốt - một chỉ số kinh tế quan trọng - đã giảm 20% trong tháng 10 so với một năm trước đó.
Cơ quan thống kê nhà nước Nga Rosstat báo cáo rằng, doanh số bán lẻ giảm 10% vào tháng 9 và doanh thu hàng hóa giảm 7%.
Ông Vladimir Milov, cựu Thứ trưởng Bộ Năng lượng của Nga nhận định: "Tất cả các chỉ số khách quan đều cho thấy hoạt động kinh tế đang sụt giảm rất mạnh. Vòng xoáy kinh tế đang dữ dội và không có cách nào thoát khỏi điều này bây giờ".
Lệnh cấm nhập khẩu công nghệ của phương Tây đang ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, những hạn chế của chính Tổng thống Putin đối với nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, sau vụ nổ không rõ nguyên nhân của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc), đã dẫn đến sản lượng khí đốt giảm mạnh - giảm 20% trong tháng 10 so với năm trước.
Trong khi đó, doanh số bán dầu sang châu Âu đang giảm mạnh trước lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến được áp dụng từ ngày 5/12.
Ông Sajjan M Gohel, giảng viên Trường Kinh tế London (LSE) nhận thấy, dù có chuẩn bị và có cách thức ứng phó hiệu quả đến đâu, nền kinh tế Nga vẫn khó có thể chống chọi hoàn toàn với sóng gió trừng phạt từ Mỹ và phương Tây trong thời gian dài.
Điện Kremlin đã tuyên bố, kinh tế Nga sẽ đối mặt với mức giảm GDP thấp hơn dự kiến để chứng minh rằng, nền kinh tế quốc gia này có thể vượt qua hàng loạt lệnh trừng phạt hà khắc.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế và giám đốc điều hành doanh nghiệp cho biết, số liệu GDP tổng thể hiện không phản ánh hết tình trạng thực của nền kinh tế vì khả năng chuyển đổi của đồng Ruble đã bị chấm dứt kể từ khi lệnh trừng phạt được áp dụng.
Song song với đó, những vấn đề sâu xa hơn cũng đang "rình rập" lĩnh vực ngân hàng Nga. Tuần trước Ngân hàng Trung ương Nga đã báo cáo rằng, một lượng ngoại tệ mạnh kỷ lục 14,7 tỷ USD đã bị rút khỏi hệ thống ngân hàng nước này trong tháng 10.
Đặc biệt, trong những tháng tới, với tổn thất của chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày càng tăng, các chuyên gia dự đoán, người Nga sẽ mua nhiều ngoại tệ hơn, khiến đồng Ruble giảm mạnh. Trong khi đó, một lượng lớn dự trữ ngoại tệ của nước này bị đóng băng ở nước ngoài sẽ không thể giúp can thiệp thị trường.
Báo cáo tháng 11 của Ngân hàng Trung ương Nga cũng cảnh báo, GDP của nước này sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh hơn 7,1% trong quý IV/2022, sau khi giảm 4,1% và 4% so với năm ngoái trong hai quý trước đó.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina nói với các nhà lập pháp rằng, năm tới, tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn.
Bà Elvira Nabiullina nhấn mạnh: "Chúng tôi thực sự cần phải xem lại tình hình một cách tỉnh táo và nhìn nhận mọi khía cạnh. Chúng tôi hiểu mọi thứ có thể tồi tệ hơn".