Nhỏ Bình thường Lớn

Song hành lợi ích từ hợp tác công - tư

Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) tại Quảng Ninh đã cho thấy hiệu quả thiết thực.
Cảng hàng không Quảng Ninh được đầu tư theo hình thức PPP.

Quảng Ninh là một trong những địa phương đẩy mạnh áp dụng các hình thức đầu tư có sự tham gia của tư nhân đầu tư vào công trình, dịch vụ công từ trước khi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP có hiệu lực. Theo Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, hình thức đầu tư PPP được cho là giải pháp thích hợp để huy động nguồn lực cho đầu tư, huy động năng lực, kinh nghiệm quản lý của khối tư nhân vào các dự án công trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp. PPP hiện được triển khai ở Quảng Ninh theo ba phương thức: Lãnh đạo công - quản trị tư; Đầu tư công - quản lý tư; Đầu tư tư - sử dụng công. Đến nay, Quảng Ninh đã có hơn 60 công trình được xây dựng theo mô hình này với tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng.

Chủ động với mô hình đầu tư hiệu quả

Trong hai năm qua, để đẩy mạnh huy động các nguồn lực, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn áp dụng chuyển đổi các hình thức đầu tư thông qua các thí điểm các mô hình PPP trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tỉnh đã ban hành danh mục 64 công trình thí điểm áp dụng hình thức PPP, trong đó có cả dự án nhạy cảm như khai thác Vịnh Hạ Long.

Hai công trình điển hình theo hình thức PPP là Trụ sở Liên cơ quan số 3 và số 4, có tổng vốn đầu tư lần lượt khoảng 500 tỷ đồng và 360 tỷ đồng, với thời gian xây dựng trong 24 tháng, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2016. Đây sẽ là nơi làm việc của hơn 20 cơ quan, đoàn thể của tỉnh Quảng Ninh, nhưng nhờ hình thức đầu tư mới, tỉnh sẽ không phải bỏ ra một lúc rất nhiều tiều mà vẫn có công trình hiệu quả.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã giao cho các sở, ban, ngành làm đầu mối để triển khai từng công trình cụ thể từ bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, cho đến hệ thống truyền hình trực tuyến... Chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường của tỉnh đã tạo nhiều cơ hội cho khu vực ngoài nhà nước tham gia vào dịch vụ môi trường ngày càng nhiều và trở thành một xu hướng tích cực, có tiềm năng mang lại lợi ích như thực hiện tốt hơn, tầm bao phủ rộng hơn và tính bền vững cao hơn.

Đồng thời, để tạo điều kiện cho mô hình PPP được áp dụng rộng rãi, Quảng Ninh cũng đã phân cấp về các địa phương việc quản lý và lựa chọn mô hình phù hợp. Đến nay đã có một số công trình của các huyện, thị xã, thành phố triển khai ký kết hợp đồng với nhà đầu tư như: Công trình quản lý cụm cổ động thông tin biên giới Sa Vỹ; Dự án sân vận động trung tâm Cẩm Phả…

Đặc biệt, Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị kinh doanh, khai thác và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long theo mô hình PPP. Với mô hình này, Tỉnh hy vọng sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ luật pháp, trong đó có Công ước UNESCO về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long.

Tăng cường nguồn lực đầu tư

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, hình thức Đầu tư tư - sử dụng công tức là nhà đầu tư bỏ tiền thuê đất, bỏ vốn đầu tư các công trình theo yêu cầu sử dụng của Nhà nước. Các nhà đầu tư được tỉnh hỗ trợ từ các khâu khảo sát lập dự án đầu tư và chi phí giải phóng mặt bằng, các hạng mục dự án sẽ do các nhà đầu tư đảm nhiệm. Sau khi hoàn thành, Nhà nước có thể thuê lại một phần hoặc toàn bộ công trình để sử dụng hoặc phục vụ vào mục đích công ích. Theo tính toán, nhà đầu tư có thể thu hồi vốn trong vòng 15 năm, nhưng trong khoảng thời gian đó, nhà đầu tư phải đại tu toàn bộ công trình một lần, nên sau thời hạn 30 năm, nhà đầu tư bàn giao miễn phí công trình cho tỉnh.

Trong khi đó với hình thức "Đầu tư công - quản trị tư" thì tỉnh sẽ giảm tải được bộ máy nhân sự mà vẫn đạt được hiệu quả công việc. Hình thức này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân được tham gia các công trình của tỉnh góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ trực tiếp khó khăn cho doanh nghiệp. Áp dụng hình thức này nhà đầu tư có thể hoàn toàn không phải lo lắng về đầu ra. Còn về chất lượng thì có thể yên tâm bởi nhà đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh trong việc giám sát, cộng với việc đây là công trình của nhà đầu tư và họ đại tu công trình theo định kỳ nên sẽ không có chuyện kém chất lượng. Ngoài ra, nếu các nhà đầu tư thiếu vốn, có thể được tỉnh kết nối với các ngân hàng giúp việc vay vốn được thẩm định nhanh.

Việc áp dụng triển khai mô hình PPP đã góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư trong khi ngân sách của tỉnh còn hạn chế, tránh được những khoản nợ, không làm tăng thâm hụt ngân sách. Đặc biệt là điều đó giúp cho Tỉnh có điều kiện tập trung nguồn lực để đầu tư cho các công trình thiết yếu và trọng điểm khác.

Tin vui cho Quảng Ninh là từ ngày 5/5/2015, hai Nghị định của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP và Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã có hiệu lực, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, mở tung cánh cửa để Quảng Ninh tiếp tục triển khai mô hình PPP, cũng như tạo điều kiện để vùng đất này thu hút đầu tư ngày càng mạnh mẽ hơn.

Yên Ninh

Tin cũ hơn