📞

Sống không nên quá nghiêm túc, cần có hài hước

08:00 | 14/05/2017
Ở Mỹ, nhiều xí nghiệp coi trọng hài hước, một số công ty lớn thuê hẳn cố vấn hài hước và sắp đặt Phòng Hài hước (Humor room) để công nhân viên có thể đến xem video hài (loại Monthy Python) hay các phim hoạt họa liên quan.

Trong giao thiệp, người phương Tây không thích thái độ và lời nói lúc nào cũng quá ư nghiêm túc, lên gân, mà lâu lâu cũng phải có chút hài hước, humour. Các chính khách, ngay cả các vị tổng thống, cũng tỏ ra là mình biết humour để gây cảm tình.

Bác Hồ khi giao dịch với người phương Tây được mến phục có phần do Bác biết hài hước. Năm 1946, Bác sang Pháp đàm phán. Có lần xe Bác đang đi trên đại lộ Champs-Élysées ở Paris, viên sĩ quan tùy tùng thưa Bác: “Chủ tịch nhìn kìa, dân chúng tụ tập rất đông ngưỡng mộ xem Ngài đó”. Bác Hồ mỉm cười đáp: “Ồ, họ muốn xem hề Charlot Việt Nam đây mà”. Thật là một câu hài hước để gỡ thế bị khen, đồng thời tỏ ra khiêm tốn. Tự giễu mình là đặc điểm hài hước Anh.

Từ điển Pháp cho các nước Pháp ngữ định nghĩa Humour: hình thức giễu cợt, vui nhiều khi trào phúng, nhấn mạnh một cách trí tuệ những khía cạnh ngồ ngộ. “Từ điển tiếng Việt” định nghĩa “hài hước”: vui đùa, nhằm mục đích gây cười (thường nói về hình thức văn nghệ).

Nếu đi sâu vào định nghĩa, chắc các nhà ngôn ngữ học còn tranh luận nhiều về những từ đồng nghĩa với hài hước và homour. Thôi thì ta cứ tạm hiểu là: “đùa có trí tuệ”, mà điều này khác nhau giữa các nền văn hóa.

Trong một bài đăng báo Hà Lan Volkskrant, P. Klok nhấn mạnh tầm quan trọng của hài hước, không những trong giao dịch bình thường mà cả trong công việc.

Theo M.Thys, chuyên gia Bỉ về hài hước, “những công trình nghiên cứu về hài hước phát hiện là hài hước tăng khả năng tập trung suy nghĩ của mọi người và do đó ý đồ mình trình bày dễ được chấp nhận”. Hài hước nuôi dưỡng đầu óc sáng tạo, khiến người ta bớt căng thẳng trong giây lát trước thực tế, gay go, làm cho không khí thoải mái hơn, nhất là trong giai đoạn công việc dồn dập gây stress và mất tự chủ.

Theo M.Thys, những chủ doanh nghiệp Hà Lan cười ít hơn ở Bỉ. “Hễ vào công việc là hết sức nghiêm túc, căng thẳng”, mà như vậy bất lợi cho công việc. Do đó, cách đây hơn một năm, ông cùng một số bạn đã lập ra ở Hà Lan một “Tổ chức hài hước”, hàng năm có đại hội hài hước nhằm đưa hài hước vào quá trình công việc. Nhưng ở Hà Lan, người ta ít mặn mà với ý tưởng ấy. A.Pinxton lãnh đạo một hội thảo thể nghiệm về “Cười có hiệu quả” cho biết: “Khi chúng tôi bảo là có thể học hài hước được thì mọi người có vẻ hoài nghi. Người ta cho là sinh ra đã có khiếu hài hước hay không”. Theo ông, “cần dạy mọi người dám làm nhiều hơn. Họ phải nói lên được điều họ nghĩ về mình và người khác. Có thể dạy họ phóng đại lên hoặc đảo ngược những vấn đề, do đó sinh ra hài hước… Khi có sự cách biệt giữa cái người ta mong đợi và cái xảy ra, thì sự cách biệt đó gây cười”.

M.Thys khuyên ta thỉnh thoảng nên có thái độ anh hề: “Khi tôi dự một cuộc họp tế nhị, cuộc tranh luận bắt đầu gay go, tôi đóng vai hề để cho mọi người biết tất cả mọi người đang làm trò hề”.