TIN LIÊN QUAN | |
Thanh niên Hàn đau đầu vì thất nghiệp | |
Học Nhật Bản, thanh niên Hàn Quốc cũng chuộng sống độc thân |
Khác xa với nhiều bạn bè đồng trang lứa, Park Sora (23 tuổi) đang kiếm sống bằng công việc vẽ móng tại một trung tâm thẩm mỹ ở Seoul cho biết, cô không có ý định tìm công việc ổn định, lập gia đình rồi kết hôn. Thay vì chăm chỉ học tập, làm việc, tiết kiệm để đầu tư cho tương lai, với Park, việc tận hưởng và trải nghiệm cuộc sống hiện tại có ý nghĩa hơn rất nhiều. Cô sử dụng toàn bộ thu nhập và khoản tiết kiệm của mình cho các nhu cầu cá nhân và thỉnh thoảng đi du lịch đó đây.
Loạt phim truyền hình thực tế về trải nghiệm kiểu sống YOLO “Youn's Kitchen” trên Đài tvN. (Nguồn: Yonhap) |
“Trong một lần đi du lịch nước ngoài, tôi tình cờ gặp một nhóm bạn nước ngoài và được họ chia sẻ về phong cách sống theo kiểu YOLO và hoàn toàn đồng ý với họ. Tôi từng làm trợ lý cho một ekip làm phim trong 5 năm nhưng tôi đã quyết định nghỉ việc và dành toàn bộ bốn tháng sau đó để đi du lịch nước ngoài”, Park kể lại.
Park chia sẻ động lực khiến cô say mê kiếm tiền là lo đủ kinh phí cho chuyến du lịch nước ngoài sắp tới – kế hoạch mà cô gọi là “niềm vui duy nhất trong năm”. Nếu hết kinh phí, Park sẽ quay trở lại Hàn Quốc, kiếm tiền và lại đi du lịch.
“Quẳng gánh lo đi và vui sống”
Park chỉ là một trong số rất nhiều bạn trẻ Hàn Quốc hưởng ứng và lựa chọn phong cách sống theo kiểu YOLO đang thịnh hành trên thế giới. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2011 trong bài hát “The Motto” của nam ca sỹ Drake hợp tác với Rick Ross, từ khóa YOLO nhanh chóng nổi tiếng và trở thành câu nói cửa miệng của giới trẻ toàn cầu.
Park lý giải, cô yêu thích phương châm “quẳng gánh lo đi và vui sống” và lựa chọn YOLO vì xã hội Hàn Quốc không cho cô nhiều lựa chọn.
“Ngay cả khi tôi tiết kiệm được nhiều tiền hơn thì cũng chỉ đủ để tôi đi du lịch. Tôi không mặn mà với việc mua nhà, mà nếu có, cũng không bao giờ tôi kiếm đủ tiền để mua nhà”, Park chua chát thừa nhận.
Những trăn trở của Park cũng là trăn trở của rất nhiều thanh niên Hàn Quốc ngày nay. Với giá nhà đất ngày càng đắt đỏ, một nhân viên văn phòng trung bình sẽ phải làm việc cật lực suốt 12 năm trời mới có thể mua được một căn hộ nhỏ ở Seoul. Tỷ lệ thất nghiệp Hàn Quốc cũng đang ở mức “báo động”, khiến không ít thanh niên nước này nản lòng khi nghĩ đến tương lai.
Cũng bị thu hút bởi trào lưu YOLO, Jeong Ji-yoon, 30 tuổi từng có công việc đáng mơ ước tại một đài truyền hình lớn. Cô chia sẻ, cô chọn công việc đơn giản chỉ muốn làm hài lòng cha mẹ. Mặc dù rất đam mê hội họa nhưng Jeong phải gác lại để tập trung vào việc thi đại học, tìm việc và kết hôn theo lộ trình “chuẩn” mà cha mẹ cô vạch sẵn.
Tuy nhiên, sáu tháng trước, Jeong bất ngờ nghỉ việc và cùng chồng lên kế hoạch du lịch vòng quanh thế giới. Cặp đôi dự định bắt đầu chuyến khám phá năm châu tại Indonesia trước khi tiến về phía Nam đến Australia, rồi vượt Thái Bình Dương để đến Nam Mỹ.
“Tôi luôn ấp ủ giấc mơ được trải nghiệm hành trình vòng quanh thế giới nhưng những lo toan cuộc sống và áp lực công việc lại cuốn đi. Chỉ đến khi tôi nhận ra rằng công việc không mang lại niềm vui, tôi quyết định mình cần phải thay đổi”, Jeong nói.
Phong cách sống thời thượng
Phong cách sống kiểu YOLO nhanh chóng trở thành một trào lưu thời thượng tại Hàn Quốc khi từ khóa “YOLO” là một trong những từ khóa phổ biến nhất năm 2017 do các cư dân mạng “xứ kim chi” bình chọn.
Ngay lập tức, các nhà sản xuất chương trình truyền hình cũng không thể “đứng ngoài cuộc chơi”. “Non-summit” - chương trình talkshow nổi tiếng trên Đài JTBC đã dành hẳn một chuyên đề để thảo luận về ảnh hưởng của YOLO tại Hàn Quốc và nhiều nơi trên thế giới. Chương trình truyền hình thực tế “Youn's Kitchen” của Đài tvN cũng làm riêng loạt phim truyền hình thực tế về trải nghiệm kiểu sống YOLO của một nhóm sinh viên khi mở nhà hàng tại một hòn đảo nghỉ mát ở Indonesia.
Theo Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul Kwak Keum Joo, nếu như trước đây, mô hình chuẩn mực hướng về các mục tiêu của tương lai chiếm ưu thế thì giờ đây, ngày càng có nhiều thanh niên Hàn Quốc lựa chọn cách sống trải nghiệm những niềm vui của hiện tại. Một phần do những bất ổn chính trị trong nước và thị trường việc làm ảm đạm.
“Lớp trẻ muốn tập trung nhiều hơn cho hiện tại vì họ lo lắng về tương lai. Và khi bạn yêu hiện tại, tập trung cho nó, hiện tại sẽ trở thành tương lai. Tôi nghĩ YOLO là phong cách sống tích cực khi nó giúp giới trẻ được làm những điều mình yêu thích, khiến họ lạc quan, yêu đời hơn. Xu hướng này đang thổi một làn gió mới, góp phần thay đổi những quan niệm truyền thống, cứng nhắc về phong cách sống trong xã hội chúng ta”, ông Kwak cho hay.
Dù vậy, ông Kwak cảnh báo, việc số lượng thanh niên Hàn Quốc rời bỏ công việc để chọn sống theo kiểu YOLO gia tăng có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thị trường việc làm của nước này thời gian tới.
Điểm xuất phát của hành trình trau dồi tri thức Người Hàn Quốc rất trọng thị giáo dục, coi đó là phương tiện để thành đạt và là nền tảng cơ bản để hoàn thiện ... |
Người Hàn Quốc quá bận để lo về chiến tranh với Triều Tiên Hàng chục triệu người Hàn Quốc sống cách biên giới với Triều Tiên chưa đầy 100km, nhưng tin tức về căng thẳng trên bán đảo ... |
Vì sao Hàn Quốc không lắp wi-fi trên các chuyến bay? Thà không dùng wi-fi còn hơn dùng dịch vụ “rùa bò” là quan điểm của người Hàn Quốc. |