📞

Sống sao cho xứng tuổi già

12:49 | 07/08/2009
Với phương châm “Sống khoẻ, sống có ích” và cũng là để học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông Nguyễn An Ninh, người Việt ở Ba Lan đã tích cực tham gia vào các Hội, Đoàn của người Việt Nam ở nước sở tại với mong muốn gắn kết và xây dựng một cộng đồng vững mạnh về mọi mặt và cùng hướng lòng mình về nơi nguồn cội.
Đoàn kiều bào dự lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ tại Côn Đảo.

Trong đoàn kiều bào về dự Đại lễ Cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ tại Côn Đảo, một người đàn ông đã lớn tuổi nhưng dáng vẻ linh hoạt, thân thiện của ông đã khiến tôi chú ý ngay từ khi đoàn đặt chân tới Côn Đảo.

Câu chuyện với ông được bắt đầu khá cởi mở. Ông kể: “Năm 1982, tôi được cử sang Ba Lan làm đại diện của Ủy ban phát thanh truyền hình Việt Nam. Sau một thời gian công tác, tôi nghỉ hưu và cũng ở lại định cư tại Ba Lan từ ngày ấy. Mặc dù năm nào tôi cũng về thăm quê, nhưng đúng 33 năm tôi mới có dịp quay lại Côn Đảo, mảnh đất thân thương của Tổ quốc. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất này. Tôi cũng làm báo, nhưng cái thời của chúng tôi vất vả, không đầy đủ phương tiện như hiện nay, và đặc biệt ở nước ta đội ngũ làm báo trẻ khá năng động, tư tin và họ cũng rất giỏi tìm kiếm thông tin”.

Cũng như nhiều người Việt xa quê, tuy đã nhiều tuổi nhưng ông Nguyễn An Ninh vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng ở nước sở tại, nhằm gắn kết cộng đồng, hướng về quê hương. Có lẽ do thói quen của người làm công tác quản lý, cộng với cái bản tính của người làm báo là thích đi, thích khám phá, làm việc và được tham gia vào các hoạt động cộng đồng, nên ông đã cùng một số anh em đứng ra thành lập Hội người VN ở nước ngoài tại Ba Lan. Đây cũng là Hội người VN đầu tiên ở Đông Âu và Liên Xô (cũ) được thành lập.

Sau khi Hội đi vào hoạt động chính thức, nhận thấy tuổi mình cũng cao mà trong cộng đồng cũng có nhiều người cao tuổi nên ông lại tiếp tục vận động và thành lập Hội người cao tuổi. Đây cũng là Hội người cao tuổi đầu tiên ở Đông Âu và Liên Xô ra đời và hoạt động khá hiệu quả. Sở dĩ Hội được thành lập và thu hút đông người tham gia có lẽ bởi người già thường nhớ cố hương và rất quan tâm đến lĩnh vực tâm linh. Ông bảo: “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Từ ý nghĩ đó, ông cùng các thành viên trong ban chấp hành làm đơn đề nghị Nhà nước Ba Lan cho thành lập Hội những người yêu đạo Phật ở Ba Lan. Ý nguyện thành công, ngay lập tức một ngôi chùa Việt Nam được dựng lên, là nơi ấm cúng để bà con họp mặt.

Cũng như cộng đồng người Việt ở Cộng hoà Czech và một số nước khác, tại Ba Lan, cộng đồng người Việt gắn kết với nhau khá chặt chẽ thông qua các tổ chức Hội, Đoàn như: Hội người Việt Nam ở nước ngoài, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Hội thanh niên sinh viên, Hội phụ nữ, Hội Phật tử... và còn rất nhiều các câu lạc bộ ở các thành phố, các vùng... Mỗi tổ chức hội đoàn đều duy trì những hoạt động khá phong phú nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc Việt ở nơi mình đang sinh sống.

Tuy sống ở một nước phương Tây nhưng mọi tập quán của người Á Đông vẫn được người Việt duy trì, đặc biệt là nếp sống cộng đồng. Nếp sống này được người dân sở tại rất tôn trọng và quí mến. Ông Ninh chia sẻ: “Đời sống của người Việt thời gian trước đây có khá, nhưng vài năm trở lại đây cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, bà con luôn hướng lòng mình về quê hương. Người già hay hướng về nguồn cội, nên các ngày kỷ niệm lớn chúng tôi đều tổ chức các hoạt động trong cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có Ban thiện nguyện, tổ chức các hoạt động quyên góp gửi về hoặc trực tiếp về ủng hộ trong nước những đợt lũ lụt, thiên tai, chất độc da cam, các quỹ đền ơn đáp nghĩa...”.

Với phương châm “Sống khoẻ, sống có ích” và để hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là Chủ tịch Hội người cao tuổi, ông đã bàn với các thành viên trong ban chấp hành lồng ghép trong các hoạt động của mình, làm sao để người già luôn có một sức khoẻ tốt, có niềm tin, niềm vui để tích cực tham gia vào các hoạt gắn kết cộng đồng, hướng về quê hương.

Như lẽ thường: Lá rụng về cội - người già thường hoài nhớ cố hương, và với bản tính của người Việt Nam là đoàn kết, sống có tập thể, cộng đồng nên những việc mà Hội người cao tuổi Việt Nam tại Ba Lan đã và đang làm có ý nghĩa thiết thực đối với người cao tuổi ở nước sở tại. Bởi ai cũng ý thức được phải “sống sao cho xứng tuổi già”… Bằng khen mà Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trao tặng cho Hội người cao tuổi Việt Nam tại Ba Lan, trong đó có cá nhân ông, là để ghi nhận những đóng góp của ông Nguyễn An Ninh nói riêng và người cao tuổi Việt Nam ở Ba Lan nói chung với quê hương, nguồn cội.

Trần Lệ Chiến