Trả lời phóng viên, người phát ngôn cơ quan trên, ông Sutopo Purwo Nugroho cho hay giới chức nước này đã thu thập thông tin về sự ảnh hưởng của đợt sóng thần đối với các khu vực như Pandeglang, Serang và South Lampung.
Núi lửa Anak Krakatoa tại Eo biển Sunda, có thể là nguyên nhân gây ra vụ sóng thần. (Nguồn: Reuters) |
Ông cho biết thêm hàng trăm ngôi nhà đã bị phá hủy, trong khi số người mất tích ghi nhận được hiện là 2 người. Ông Nugroho cũng nêu rõ sự kết hợp của một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển xuất phát từ hoạt động của núi lửa Anak Krakatoa và một đợt thủy triều có thể là nguyên nhân dẫn tới vụ sóng thần này.
Theo Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG), vụ sóng thần này xảy ra vào 21h30 tối 22/12, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu vực như: Eo biển Sunda, gồm các bãi biển tại Pandeglang, Serang và South Lampung.
Người đứng đầu Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia tại Pandeglang, ông Endan Permana cho biết cảnh sát đang hỗ trợ các nạn nhân tại Tanjung Lesung ở tỉnh Banten, vốn được biết là địa điểm du lịch nổi tiếng cách không xa thủ đô Jakarta trong bối cảnh lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận đến khu vực này.
Trong khi đó, Cơ quan phụ trách thiên văn của Indonesia cho biết nguyên nhân của trận sóng thần không phải do động đất nhưng có thể là do hoạt động núi lửa ở núi Krakatoa.